Tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị 90.000.000 đồng có thể bị xử phạt như thế nào?
- Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được hiểu như thế nào?
- Tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với hàng hóa vi phạm có giá trị 90.000.000 đồng có thể bị xử phạt như thế nào?
- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có quyền xử phạt tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không?
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP giải thích về "Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ". Theo đó, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị 90.000.000 đồng có thể bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với hàng hóa vi phạm có giá trị 90.000.000 đồng có thể bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau:
Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
...
9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
...
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Theo đó, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà hàng hóa vi phạm có giá trị 90.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Tịch thu tang vật đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.
Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Như vậy, tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân nêu trên, cụ thể là bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng nêu trên.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có quyền xử phạt tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 87 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 50 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra
...
3. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Mục 2 và Mục 9 Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 280.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Mục 2 Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Theo quy định trên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt có quyền xử phạt tổ chức kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?
- Ngân hàng là gì? Ngân hàng có những loại hình nào? Hình thức pháp lý của ngân hàng là gì theo quy định?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?