Thủ tục ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì? Ly hôn đơn phương thì nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn ở đâu?
Thủ tục ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các đối tượng sau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
(1) Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
(2) Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể hồ sơ ly hôn đơn phương gồm những giấy tờ gì. Việc thực hiện thủ tục ly hôn thông thường sẽ do Tòa án thụ lý vụ việc hướng dẫn.
Tuy nhiên, về cơ bản, khi ly hôn đơn phương thì cần chuẩn bị một số giấy tờ thiết yếu sau đây:
- Đơn xin ly hôn đơn phương. (Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP). TẢI VỀ
- Bản sao chứng thực CMND/CCCD còn hiệu lực của vợ và chồng.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con (nếu đã có con chung).
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn.
Thủ tục ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Ly hôn đơn phương thì nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn ở đâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
...
Đồng thời, căn cứ Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
...
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, bởi vì vợ chồng chị đều là người Việt Nam, cho nên Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ việc ly hôn đơn phương.
Như vậy, chị có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú.
Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện thế nào?
Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn
1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
2. Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật này.
Như vậy, theo quy định, việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
(1) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản:
- Trường hợp cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên;
- Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo các nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Lưu ý: Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
(2) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại mục (1) nêu trên;
(3) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo các nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
(4) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?