Thủ tục giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản được thực hiện thế nào?
- Tổ chức, cá nhân có phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ muốn được tự mình giữ, bảo quản phương tiện thì cần đáp ứng điều kiện gì?
- Thủ tục giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản được thực hiện thế nào?
- Tổ chức, cá nhân có được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính không?
Tổ chức, cá nhân có phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ muốn được tự mình giữ, bảo quản phương tiện thì cần đáp ứng điều kiện gì?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có nhu cầu thì có thể đề nghị được tự mình gìn giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Để được người có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện thì tổ chức, cá nhân vi phạm cần đáp ứng một trong các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, cụ thể:
(1) Cá nhân vi phạm có nơi thường trú hoặc có nơi tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác;
Tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng.
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;
(2) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân vi phạm cần lưu ý rằng nếu phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc các trường hợp dưới đây thì cho dù có đảm bảo các điều kiện nói trên cũng sẽ không được giao phương tiện cho người đó tự giữ, bảo quản:
(1) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;
(2) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;
(3) Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;
(4) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy;
(5) Phương tiện giao thông vi phạm mà theo quy định sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.
Tổ chức, cá nhân có phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ muốn được tự mình giữ, bảo quản phương tiện thì cần đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản được thực hiện thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 138/2021/NĐ-CP thì trình tự giải quyết việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản gồm các bước sau đây:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân vi phạm làm đơn đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.
Trong đơn đề nghị cần ghi rõ các thông tin sau đây:
- Họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân,
- Nơi thường trú, nơi tạm trú,
- Nghề nghiệp của người vi phạm.
- Nếu là tổ chức thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm,
- Hành vi vi phạm hành chính,
- Tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện,
- Nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.
Lưu ý: Khi gửi đơn cá nhân vi phạm phải gửi bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác;
Đối với tổ chức vi phạm thì phải có giấy tờ chứng minh về địa chỉ nơi đóng trụ sở hoạt động của tổ chức đó.
Bước 2: Người có thẩm quyền tạm giữ xem xét, quyết định việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Thời hạn xem xét, quyết định là không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì thời hạn giải quyết là không quá 03 ngày.
Trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Mẫu quyết định giao phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản (ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP): TẢI VỀ
Bước 3: Lập biên bản và giao phương tiện giao thông cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Lưu ý: Biên bản giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản bản và phải ghi rõ những thông tin sau:
- Tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ,
- Nơi giữ, bảo quản,
- Tình trạng của phương tiện (nếu có)
- Phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ;
- Thời hạn tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.
Mẫu biên bản giao phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản (ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP): TẢI VỀ
Ngoài ra, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, khi giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện phải tạm giữ:
- Giấy chứng nhận đăng ký xe đối với phương tiện giao thông đường bộ,
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt đối với phương tiện giao thông đường sắt,
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa đối với phương tiện giao thông đường thủy nội địa.
Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh thì không cần tạm giữ các loại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nói trên.
Bước 4: Bàn giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính để tổ chức, cá nhân vi phạm đưa phương tiện về nơi tự bảo quản.
Bước 5: Cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện do tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản để phối hợp giám sát, quản lý.
Tổ chức, cá nhân có được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính không?
Việc thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 138/2021/NĐ-CP như sau:
Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản
...
4. Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.
...
Như vậy, theo quy định trên thì tổ chức, cá nhân có thể thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính nếu xảy ra những trường hợp sau đây:
- Thiên tai, hỏa hoạn;
- Có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính sẽ gây thiệt hại đến phương tiện.
Trong trường hợp này, ngay sau khi thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự phòng bảo hành công trình xây dựng là gì? Tải về giấy đề nghị thanh toán tiền bảo hành công trình xây dựng?
- Việc ghi sổ thu chi tài chính công đoàn cơ sở được căn cứ vào đâu? Mẫu sổ thu chi tài chính công đoàn cơ sở mới nhất?
- STT Ngày Ông Công Ông Táo? Ngày Ông Công Ông Táo CBCCVC bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?
- Các điểm bắn pháo hoa Tết âm lịch 2025 trên cả nước? Địa điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 63 tỉnh thành năm 2025?
- Tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 2 khi nào?