Thủ tục công nhận việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?
Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có cần đăng ký lại kết hôn ở Việt Nam hay không?
Căn cứ Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài:
Điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài
1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
2. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.
Theo đó, nếu việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam thì không cần đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam.
Thủ tục công nhận việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Thủ tục công nhận việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Quy định tại Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đáp ứng quy định kể trên thì sẽ được công nhận tại Việt Nam và được ghi vào sổ hộ tịch theo trình tự, thủ tục sau:
Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn
1. Hồ sơ ghi chú kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Luật Hộ tịch, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
c) Ngoài giấy tờ quy định tại Điểm a và b của Khoản này, nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ của cả hai bên nam, nữ quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này; nếu là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này.
2. Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
3. Thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là đủ điều kiện theo quy định tại Điều 34 của Nghị định, Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
b) Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Nghị định này, Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.
Theo đó, công nhận việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài tại Việt Nam theo thủ tục sau:
- Chuẩn bị hồ sơ như trên và nộp đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn;
- Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh thì không quá 10 ngày làm việc.
- Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Trong trường hợp nếu việc kết hôn vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình; hoặc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người yêu cầu.
Trường hợp nào đăng ký kết hôn ở nước ngoài phải đăng ký lại kết hôn ở Việt Nam?
Việc đăng ký lại kết hôn đối với người đã đăng ký kết hôn trong trường hợp đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại theo quy định tại Điều 40 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu còn sống tại thời điểm yêu cầu đăng ký lại và thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không?
- Thành lập công đoàn tại doanh nghiệp thì phải đáp ứng quy định gì? Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn tại doanh nghiệp như thế nào?
- Phương pháp kế toán Tài khoản 414 khi công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển thế nào?
- Tài khoản 412 là gì? Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 412 thế nào? Phương pháp kế toán tài khoản 412 ra sao?
- Tải về hợp đồng cung cấp dịch vụ phát hành hóa đơn điện tử chuẩn? Dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm những dịch vụ nào?