Ủy ban Olympic Việt Nam là gì? Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Olympic Việt Nam được quy định như thế nào?
Ủy ban Olympic Việt Nam là gì?
Căn cứ Điều 68 Luật Thể dục, Thể thao 2006 (một cụm từ bị thay thế bởi khoản 1 Điều 2 Luật Thể dục, Thể thao sửa đổi 2018) có quy định:
Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam
1. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam là tổ chức xã hội về thể thao, đại diện cho thể thao Việt Nam trong phong trào Ô-lim-pích quốc tế.
2. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.
3. Việc thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội, phù hợp với quy định của Uỷ ban Ô-lim-pích quốc tế.
Theo đó, Ủy ban Olympic Việt Nam là một tổ chức xã hội về thể thao. Tổ chức này được thành lập theo Quyết định 500/TTg ngày 20/12/1976 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức công nhận là thành viên của phong trào Olympic Quốc tế vào tháng 4 năm 1980, căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Ủy ban Olympic Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1361/QĐ-BNV năm 2012.
Ủy ban Olympic Việt Nam là gì? Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Olympic Việt Nam được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Ủy ban Olympic Việt Nam có nhiệm vụ làm những gì?
Căn cứ Điều 69 Luật Thể dục, Thể thao 2006 (khoản 4 và khoản 6 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2, khoản 28 Điều 1 Luật Thể dục, Thể thao sửa đổi 2018) có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn Ủy ban Olympic Việt Nam như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam
1. Tham gia xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong nước; mở rộng quan hệ về thể thao với các nước trong phong trào Ô-lim-pích quốc tế.
2. Tuyên truyền, vận động mọi người lòng yêu thích và tinh thần thể thao cao thượng.
3. Giúp đỡ các liên đoàn thể thao quốc gia, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương hoạt động.
4. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế.
5. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển phong trào thể dục, thể thao.
6. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhiệm vụ do Nhà nước giao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước
7. Được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ này theo quy định của pháp luật.
Cụ thể các quy định trên, Điều 7 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Ủy ban Olympic Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1361/QĐ-BNV năm 2012, quy định Ủy ban Olympic Việt Nam có những nhiệm vụ sau:
- Phối hợp cùng các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các tổ chức và cá nhân khác để:
+ Phát triển phong trào thể dục thể thao theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương Olympic;
+ Tuyên truyền trong nhân dân đường lối, chính sách phát triển thể dục thể thao và lý tưởng cao đẹp của phong trào Olympic;
+ Phát triển phong trào thể thao cho mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên nhằm mục đích góp phần hoàn thiện thể chất, nhân cách con người Việt Nam, xây dựng nếp sống lành mạnh đồng thời tạo môi trường phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao cho đất nước;
+ Cùng với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch đào tạo lực lượng vận động viên đỉnh cao và vận động viên trẻ; đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao, tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên các Đội tuyển Quốc gia, tham dự các Đại hội và Giải thể thao quốc tế;
+ Hỗ trợ các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế tại Việt Nam;
- Giúp đỡ các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức xã hội về thể thao của ngành, địa phương hoạt động;
- Triển khai và tổ chức các chương trình, kế hoạch của IOC, OCA, SEAGF và các tổ chức quốc tế có liên quan khác theo đúng pháp luật Việt Nam và Hiến chương Olympic quốc tế;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về hội.
Cơ cấu tổ chức thành viên của Uỷ ban Olympic Việt Nam?
Căn cứ Chương 4 Điều 7 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Ủy ban Olympic Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1361/QĐ-BNV năm 2012 có quy định về cơ cấu tổ chức như sau:
Cơ cấu tổ chức thành viên của Uỷ ban Olympic Việt Nam hiện nay gồm: Đại hội đại biểu; Ban Chấp hành; Ban Thường vụ; Ban Kiểm tra; Các Ban chức năng, Văn phòng và các tổ chức trực thuộc; Các tổ chức thành viên.
Trong đó, Đại hội đại biểu UBOVN là cơ quan lãnh đạo cao nhất của UBOVN. Nhiệm kỳ được tổ chức 4 (bốn) năm một lần do Ban Chấp hành triệu tập. Đại biểu tham dự Đại hội của UBOVN là đại diện của các tổ chức thành viên, đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến phong trào Olympic Việt Nam và các đại biểu khác được Ban Chấp hành quyết định triệu tập.
Các Ban chức năng, Văn phòng và các tổ chức trực thuộc UBOVN gồm: Ban Chuyên môn và Luật; Ban Thể thao cho mọi người; Ban Thể thao thành tích cao; Ban Thông tin, Truyền thông; Ban Vận động tài trợ; Ban Y học và phòng, chống Doping; Ban Quan hệ quốc tế; Ban Phụ nữ và Thể thao; Ban Giáo dục Olympic; Ban Vận động viên; Văn phòng; Các tổ chức trực thuộc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.