Từ ngày 20/6/2022, quy định kỹ thuật về làm việc trên cao trong thi công xây dựng được đảm bảo thực hiện như thế nào?
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-BXD ban hành QCVN 18:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng. Theo đó, quy định kỹ thuật về việc làm trên cao trong thi công xây dựng được thực hiện như sau:
Quy định chung về việc làm việc trên cao trong thi công xây dựng như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2.7 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Để ngăn ngừa nguy hiểm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch và thực hiện các biện pháp ĐBAT chống rơi, ngã; biện pháp sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp sau:
+ Làm việc trên cao: Tại nơi làm việc bên trong, ngoài hoặc trên công trình hoặc những nơi làm việc khác ở công trường mà vị trí đứng làm việc (tính từ đáy bàn chân người đứng) có độ cao từ 2,0 m trở lên so với bề mặt bên dưới như mặt đất, mặt sàn, mặt kết cấu, đáy hố và các bề mặt khác;
+ Làm việc trên các mái nhà, mái dốc (mái có độ dốc lớn hơn 10 độ).
- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Ở các khoảng trống (ví dụ: mép mái, quanh các lỗ mở), phải có lan can an toàn và tấm chặn chân. Trong trường hợp không thể lắp đặt lan can và tấm chặn chân, người lao động phải sử dụng dây an toàn.
- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Phải lắp đặt giàn giáo, thang leo, đường dốc hoặc các phương tiện an toàn phù hợp khác để người lao động có thể ra vào an toàn.
- Trong trường hợp không thể lắp đặt được lan can an toàn, người lao động khi làm việc trên cao (kể cả ở độ cao dưới 2,0 m nhưng vẫn có nguy cơ tai nạn nếu không có biện pháp bảo vệ) phải được bảo vệ đầy đủ bằng lưới an toàn, tấm (sàn) đỡ an toàn hoặc phải có sàn công tác hoặc phải sử dụng dây an toàn cùng với dây cứu sinh được treo (buộc) chắc chắn.
CHÚ THÍCH: Các quy định cụ thể về giàn giáo, thang leo và các biện pháp ĐBAT khác cho người lao động nêu tại 2.2 và các mục khác có liên quan của quy chuẩn này (ví dụ: công việc thi công lắp dựng kết cấu, ván khuôn và đổ bê tông nêu tại 2.10 và 2.11).
- Người lao động làm việc trên cao, trên mái phải được đào tạo, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ, chống rơi, ngã theo quy định tại 2.19 và QCVN 23:2014/BLĐTBXH. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ và thực hiện các biện pháp ĐBAT theo các quy định tại 2.7.2, 2.7.3 và phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người lao động (thể chất và tinh thần) trước khi bắt đầu và trong khi làm việc.
Từ ngày 20/6/2022, quy định kỹ thuật về việc làm trên cao trong thi công xây dựng được thực hiện như thế nào?
Làm việc trên mái nhà phải đảm bảo những nội dung gì trong thi công xây dựng?
Căn cứ tiểu mục 2.7 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Tất cả công việc trên mái phải được lập kế hoạch trước khi thực hiện và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
- Ván mái (crawling boards) để phục vụ cho việc di chuyển, đi lại của người lao động phải được buộc, neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
- Thanh kê, neo, kẹp mái (roofing brackets) để đặt các tấm ván phục vụ cho việc di chuyển, đi lại của người lao động phải có cùng độ dốc với độ dốc của mái và đảm bảo được đỡ, neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
- Lan can an toàn ở mép (rìa) mái phải có tối thiểu một thanh ngang nằm giữa (để ngăn người lao động bị lọt ra khỏi lan can khi họ thao tác ở tư thế cúi hoặc quỳ) trừ trường hợp có biện pháp ĐBAT khác (ví dụ: sử dụng dây an toàn).
- Tại các khu vực không có người làm việc hoặc gần mép (rìa) của mái có kích thước lớn, cho phép sử dụng các thanh (ống giáo) với các thanh chống xiên (vào rào chắn) để làm rào chắn đơn giản. Các rào chắn này phải lắp đặt cách mép (rìa) mái tối thiểu là 2,0 m.
- Các tấm, ván sử dụng để đậy, che các lỗ mở trên mái phải được làm chắc chắn và lắp đúng vị trí lỗ mở.
- Đối với các mái dốc, phải bố trí các ván mái phù hợp và (hoặc) thang leo lắp trên mặt mái (roof ladders) để tránh trượt ngã. Các ván mái, thang leo phải được neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
- Khi thực hiện các công việc trên mái, phải luôn kiểm tra rào chắn, lan can an toàn, tấm chặn chân để đảm bảo chúng trong tình trạng chắc chắn.
- Khi người lao động phải làm việc trên mặt mái được lợp bằng các loại vật liệu dễ vỡ (ví dụ: kính, ngói, vật liệu giòn khác), phải bố trí đường đi lại trên mặt mái (như sử dụng thang hoặc các tấm ván bắc qua các điểm đỡ chắc chắn) để phục vụ cho công việc lợp mái và đi lại an toàn.
- Phải có tối thiểu hai tấm ván mái để người lao động không phải đứng trực tiếp trên mái làm bằng vật liệu dễ vỡ khi bắt buộc phải di chuyển ván mái (hoặc thang leo) hoặc vì bất kỳ lý do nào khác.
- Đối với các khu vực sẽ lắp tấm lợp mái bằng vật liệu dễ vỡ, căn cứ vào điều kiện và tình trạng bên dưới mái, phải có các biện pháp ĐBAT phù hợp như lắp lưới thép đỡ (hoặc sàn đỡ an toàn) bên dưới trước khi bắt đầu lợp mái.
- Xà gồ hoặc các cấu kiện đỡ trung gian cho tấm lợp mái bằng vật liệu dễ vỡ phải được thiết kế và lắp đặt để hạn chế tối đa nguy cơ tấm lợp mái bị rơi xuống.
- Đối với các rãnh thoát nước trên mái làm bằng vật liệu dễ vỡ có cho phép người đi lại bên trong (các rãnh này), phải bố trí các bộ phận chống rơi, ngã bên dưới rãnh thoát và bộ phận này phải có bề rộng lớn hơn bề rộng của rãnh thoát tối thiểu là 1,0 m về hai phía.
- Phải bố trí các biển cảnh báo dễ thấy tại các lối đi, khu vực tiếp cận vào mái nhà làm bằng vật liệu dễ vỡ.
Làm việc trên các công trình cao cần đảm bảo thực hiện như thế nào trong thi công xây dựng?
Căn cứ tiểu mục 2.7 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Khi lắp đặt, sửa chữa, bảo trì các công trình cao, nếu không có các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để ĐBAT cho người lao động, phải sử dụng hệ giàn giáo phù hợp với đặc điểm công trình và có lưới đỡ bên dưới với khoảng cách phù hợp.
CHÚ THÍCH: Các công trình cao bao gồm các kết cấu dạng cột, trụ, tháp như trụ cầu dây văng, tháp viễn thông, cột truyền tải điện, ống khói cao, tượng đài, cột (tháp) pa nô quảng cáo và các công trình tương tự hoặc ở mặt ngoài các tòa nhà, tượng đài, si lô, đập lớn và tương tự khác.
- Sàn công tác trên cùng của giàn giáo phải thấp hơn đỉnh công trình tối thiểu là 65 cm.
- Trên giàn giáo, sàn đỡ an toàn ngay bên dưới sàn đang có người lao động làm việc phải để trống (không sử dụng) để bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ các vật rơi từ bên trên xuống.
- Khoảng cách khe hở giữa giàn giáo và công trình cao không được vượt quá 20 cm ở mọi vị trí.
- Sàn đỡ an toàn phải được lắp đặt ở bên trên:
+ Lối vào công trình cao;
+ Lối đi, nơi làm việc của người lao động để ngăn ngừa nguy hiểm do vật rơi.
- Để leo lên hoặc xuống công trình cao, phải lắp đặt các phương tiện sau:
+ Cầu thang bộ hoặc thang leo sắt;
+ Các bậc thang leo sắt được neo chặt vào vách hoặc tường của công trình;
+ Các phương tiện phù hợp khác.
- Khi leo thang leo sắt lắp ở mặt ngoài của công trình cao, người lao động phải sử dụng dây an toàn lõi thép. Dây an toàn phải được quấn vòng ở đầu tự do (đầu nối vào đai an toàn của người lao động), treo thả xuống ít nhất 3,0 mét (tính từ điểm móc cố định).
- Khi người lao động làm việc trên các công trình cao độc lập, vùng nguy hiểm phải được thiết lập và kiểm soát bằng rào chắn chống xâm nhập để tạo vùng an toàn cho người bên ngoài theo quy định tại 2.1.1.2.
- Người lao động thực hiện các công việc xây dựng, bảo trì hoặc sửa chữa trên các công trình cao không được phép:
+ Làm việc ngoài trời mà không đeo dây an toàn với dây cứu sinh gắn vào bậc thang (neo sẵn vào công trình cao) hoặc các vòng neo, điểm neo chắc chắn trên công trình cao;
+ Đặt (để) các dụng cụ nằm giữa dây an toàn và cơ thể hoặc để trong các túi quần áo bảo hộ không có mục đích để chứa dụng cụ;
+ Dùng tay lôi, kéo hoặc mang các vật liệu hoặc thiết bị nặng khi lên, xuống hoặc rời khỏi nơi làm việc trên công trình cao;
+ Siết, neo chặt ròng rọc hoặc giàn giáo vào các vòng neo tăng cường (vòng gắn trên thân công trình cao) mà không kiểm tra, thử nghiệm trước khả năng chịu tải, sự chắc chắn của các vòng neo này;
+ Làm việc một mình;
+ Leo lên công trình cao nhưng không có các phương tiện để ĐBAT quy định tại 2.7.3.6;
+ Làm việc trên công trình cao đang hoạt động (ví dụ: ống khói đang hoạt động), trừ trường hợp có các biện pháp ĐBAT để tránh nguy hiểm.
Thông tư 16/2021/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 20/6/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?