Phân biệt che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm? Xử lý hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm như thế nào?
Phân biệt hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm?
Hành vi che giấu tội phạm được quy định theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Theo như quy định trên thì trong trường hợp một người không hứa hẹn trước với người phạm tội, nhưng sau khi biết được hành vi phạm tội của người phạm tội thì người này đã không báo với cơ quan công an, viện kiểm sát mà lại thực hiện hành vi che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật phạm tội hoặc cản trở việc phát hiện, điều tra và xử lý người phạm tội thì được xem là hành vi che giấu tội phạm.
Tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Theo đó hành vi không tố giác tội phạm là việc một người biết rõ về tội phạm chuẩn bị xảy ra hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã thực hiện xong hành vi phạm tội nhưng không tố giác.
Điểm khác nhau giữ hành vi che giấu tội phạm và hành vi không tố giác tội phạm là việc một cá nhân có biết được hành vi phạm tội được thực hiện hay không.
Trường hợp không biết được hành vi phạm tội được thực hiện nhưng sau khi người khác thực hiện xong hành vi phạm tội thì người này che giấu những yếu tố liên quan đến hành vi phạm tội thì được coi là che giấu tội phạm
Trường hợp biết được hành vi phạm tội sẽ được thực hiện hoặc đã, đang thực hiện nhưng không tố giác thì là hành vi không tố giác tội phạm.
Phân biệt che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm? Xử lý hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm như thế nào?
Che giấu tội phạm sẽ bị phạt tù bao nhiêu năm?
Căn cứ vào Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 một số quy định được sửa đổi bởi khoản 137 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Theo đó, căn cứ tội phạm mà một người thực hiện hành vi che giấu tội phạm để xác định mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên. Người thực hiện hành vi che giấu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức thấp nhất là từ 6 tháng đến 5 năm tù.
Trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 2 đến 7 năm tù.
Không tố giác tội phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 một số quy định được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Theo đó, trường hợp không tố giác tội phạm đối với các hành vi chuẩn bị phạm tội theo khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc hành vi phạm tội đang thực hiện, đã thực hiện theo Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng xây dựng nhà xưởng là mẫu nào? Có được áp dụng hợp đồng trọn gói đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng không?
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đoàn mới nhất? Quy trình bầu Ban Chấp hành đoàn khoá mới thế nào?
- Download mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai? Thời hạn đại diện giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy ủy quyền?
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?