Thời hạn tạm giữ trong vụ án hình sự tối đa là bao lâu? Thời hạn tạm giữ có được trừ vào thời hạn tạm giam hay không?
Người bị tạm giữ là ai?
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về người bị tạm giữ, theo đó: Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Quyền của người bị tạm giữ được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị tạm giữ có những quyền sau đây:
- Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ trong vụ án hình sự tối đa là bao lâu?
Thời hạn tạm giữ tối đa là bao lâu?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định về thời hạn tạm giữ cụ thể như sau:
- Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
- Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên đây, thời hạn tạm giữ tối đa là 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thời hạn này có thể bị thay đổi, cụ thể: Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Thời hạn tạm giữ có được trừ vào thời hạn tạm giam hay không?
Tại khoản 4 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định về thời hạn tạm giữ như sau:
“4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.”
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 17 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, quy định về việc tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ và cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam như sau:
“1. Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Nếu việc tạm giam liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp từ ngày hết thời hạn tạm giữ. Nếu việc tạm giam không liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam cho đến ngày kết thúc được ghi trong lệnh (đã trừ đi số ngày bị tạm giữ). Thời điểm cuối cùng của thời hạn tạm giam là 24 giờ 00 phút của ngày cuối cùng được ghi trong lệnh. Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết), 01 tháng tạm giam được tính bằng 30 ngày.”
Như vậy, thời hạn tạm giữ sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam. Cụ thể, việc tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ được thực hiện theo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu quyết định cho thôi việc mới nhất 2025? Tải mẫu quyết định cho thôi việc năm 2025?
- Giao 3.212 biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Nghệ An? Tải về phụ lục xem chi tiết?
- Mẫu Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc hư hỏng?
- Cách viết phong bì mừng thọ người cao tuổi 2025 hay và ý nghĩa? Cách viết phong bì mừng thọ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 tuổi?
- Điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình hạng 1 chuẩn Nghị định 175 được quy định như nào?