Thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) theo quy định mới nhất có còn là 14 ngày không?
- Trường hợp nào được xem là người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1)?
- Hướng dẫn mới nhất về thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) là bao nhiêu ngày?
- Những lưu ý mà người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) cần nắm khi thực hiện cách ly tại nhà là gì?
Trường hợp nào được xem là người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1)?
Theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 762/BYT-DP năm 2022, định nghĩa mới nhất về người tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh Covid-19 (F1) được hiểu như sau:
"Người tiếp xúc gần (F1) được hướng dẫn tại Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19.
Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30."
Hướng dẫn mới nhất về thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) là bao nhiêu ngày?
Trước đây, theo hướng dẫn tại Mục 4 Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BYT năm 2022), thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm, cụ thể:
4. Thời gian cách ly
Cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 Mục 1 Công văn 762/BYT-DP năm 2022, trường hợp F1 đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng Covid-19 thì thời gian cách ly và việc cách ly y tế thực hiện như sau:
"1. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1)
...
1.2. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1)
a) Những người đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng COVID-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):
Thực hiện cách ly y tế 05 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập(1) kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 05 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định."
Theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.2 Mục 1 Công văn 762/BYT-DP năm 2022, truờng hợp F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì thời gian cách ly và việc cách ly y tế thực hiện như sau:
"1. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1)
...
1.2. Cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID-19 (F1)
...
b) Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19:
Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 7 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 03 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định."
Như vậy, căn cứ hướng dẫn nêu trên, hiện nay thời gian cách ly y tế tại nhà đối với trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) không còn là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Tùy vào số liều vắc xin phòng Covid-19 mà bạn đã tiêm, thời gian cách ly tại nhà đối với F1 sẽ dao động từ 5 - 7 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) có còn là 14 ngày không?
Những lưu ý mà người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) cần nắm khi thực hiện cách ly tại nhà là gì?
Người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) khi thực hiện cách ly tại nhà cần lưu ý một số vấn đề sau đây để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh
Đối với phòng ở của người được cách ly cần đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn tại Mục 5 Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BYT năm 2022), cụ thể như sau:
"5. Yêu cầu về phòng ở của người được cách ly
- Tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.
- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.
- Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.
- Có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch.
- Có thùng rác có nắp đậy."
Người được cách ly cần tuân thủ những hướng dẫn tại tiểu mục 6.4 Mục 6 Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BYT năm 2022) như sau:
6.4. Người được cách ly
a) Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương (Mẫu kèm theo).
b) Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
c) Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.
d) Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;
đ) Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
e) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt...
f) Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.
g) Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
h) Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dùng chung cho mọi doanh nghiệp? Tải về mẫu thông báo?
- Lỗi không nhường đường cho người đi bộ bị phạt bao nhiêu 2025? Lỗi không nhường đường cho người đi bộ có bị trừ điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu biên bản xác nhận hiện trạng nhà ở liền kề khi tiến hành phá/xây dựng nhà ở? Tải mẫu về ở đâu?
- Công ty tài chính có phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp? Tài liệu nào xác định công ty tài chính là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
- Công an, quân đội nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy hưởng chế độ theo Nghị định 178 năm 2024 như thế nào?