Thành phần hồ sơ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất có quy mô 700 ha sang mục đích khác gồm những gì?
- Để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có cần phải trình quyết định chủ trương của cơ quan nhà nước hay không?
- Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất có quy mô dưới 1000 ha do cơ quan nào quyết định chủ trương?
- Thành phần hồ sơ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất có quy mô 700 ha sang mục đích khác gồm những gì?
Để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có cần phải trình quyết định chủ trương của cơ quan nhà nước hay không?
Căn cứ Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017 về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có quy định cụ thể như sau:
"Điều 19. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
3. Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
4. Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế."
Theo đó, một trong những điều kiện để tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đó là phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Đồng thời, tùy từng trường hợp, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cũng sẽ thuộc những cơ quan khác nhau.
Thành phần hồ sơ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Hình từ Internet)
Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất có quy mô dưới 1000 ha do cơ quan nào quyết định chủ trương?
Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:
"Điều 20. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư."
Dựa vào quy định trên, có thể thấy trường hợp chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng sản xuất có quy mô dưới 1000 ha có thể chia làm 02 trường hợp:
- Rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha: do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương.
- Rừng sản xuất dưới 50 ha: do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương.
Theo như thông tin bạn cung cấp, rừng sản xuất có quy mô 700 ha, do đó thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác sẽ thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Thành phần hồ sơ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất có quy mô 700 ha sang mục đích khác gồm những gì?
Theo kết luận ở mục trên, trường hợp này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 41 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 83/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể như sau:
“Điều 41. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
[...]
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Thủ tướng Chính phủ
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.
b) Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng. Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng của tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng;
- Báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư: Chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công; Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực thực hiện);
- Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công;
- Báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng (tỷ lệ bản đồ 1/2.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng dưới 500 ha, tỷ lệ 1/5.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ 500 ha trở lên), kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng)."
Như vậy, đối với thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, cụ thể là rừng sản xuất có quy mô 700 ha, pháp luật hiện hành quy định cụ thể điều kiện thực hiện cũng như thẩm quyền quyết định chủ trương thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị thành phần hồ sơ đầy đủ như trên để trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải về mẫu bản án hình sự sơ thẩm mới, chuẩn pháp lý? Trường hợp Viện kiểm sát được kháng nghị bản án?
- Giá hợp đồng xây dựng theo chi phí cộng phí là gì? Điều kiện áp dụng giá hợp đồng xây dựng theo chi phí cộng phí?
- Tên gọi của hội cần phải bảo đảm những điều kiện nào? Tên gọi của hội được pháp luật quy định gồm những tên gọi nào?
- Tà dâm là gì? Dâm ô là gì? Mức phạt cao nhất cho hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi là bao năm tù giam?
- Tải về mẫu biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự mới nhất hiện nay? Hướng dẫn viết biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự?