Thẩm quyền xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai thuộc về ai? Quy định về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội như thế nào?
Thẩm quyền xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai
Căn cứ khoản 7 Điều 15 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi bởi điểm c khoản 10 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) quy định về kế hoạch phòng, chống thiên tai như sau:
"a) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên tổng hợp, chỉ đạo. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kế hoạch phòng, chống thiên tai với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và báo cáo kế hoạch phòng, chống thiên tai với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng;
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương."
Như vậy, thẩm quyền xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai thuộc về Ủy ban nhân dân các cấp; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng Kế hoạch.
Phòng chống thiên tai
Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội
Căn cứ Điều 16 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định về việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội như sau:
1. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, địa phương, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành phải có nội dung phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững.
2. Căn cứ vào kết quả đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, nội dung lồng ghép bao gồm:
a) Xác định biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội;
b) Xác định và thực hiện biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ thiên tai;
c) Xác định biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng, chống thiên tai;
d) Xác định nguồn lực để thực hiện biện pháp lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.
3. Trách nhiệm lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành;
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu, giúp Chính phủ lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
Như vậy, việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội thực hiện theo quy định nêu trên.
Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai
Căn cứ Điều 17 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (Thay thế cụm từ “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai” bằng cụm từ “Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai" tại khoản 24 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) quy định về việc xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai như sau:
1. Hoạt động xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai bao gồm:
a) Quan trắc, thu thập, cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin từ hệ thống quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai;
b) Đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai;
c) Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương phục vụ cho việc chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, việc xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?
- Kinh doanh các loại pháo bao gồm những gì? Cơ sở kinh doanh các loại pháo cần phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự không?
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?