Thẩm quyền cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ thuộc cơ quan nào?
Hoạt động dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ cần đáp ứng điều kiện gì?
Hoạt động dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ cần đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Theo Điều 42 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, h khoản 2 Điều 5 Nghị định 142/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(i) Bảo đảm mức liều chiếu xạ trong điều kiện làm việc bình thường như sau:
- Đối với nhân viên bức xạ
+ Liều hiệu dụng không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 500 mSv/năm theo loại hình công việc bức xạ cụ thể.
- Đối với công chúng
+ Liều hiệu dụng không vượt quá 1 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 5 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 15 mSv/năm;
+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 50 mSv/năm đối với công chúng theo tình huống chiếu xạ cụ thể.
(ii) Thiết lập khu vực kiểm soát và khu vực giám sát như sau:
- Khu vực kiểm soát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn hoặc bằng 6 mSv/năm; nơi có khả năng gây nhiễm bẩn phóng xạ; phòng điều khiển của lò phản ứng hạt nhân, thiết bị xạ trị, máy gia tốc, thiết bị chiếu xạ công nghiệp.
- Khu vực giám sát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn 1 mSv/năm và nhỏ hơn 6 mSv/năm.
(iii) Có dấu hiệu cảnh báo bức xạ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7468:2005 (ISO 361:1975) An toàn bức xạ - Dấu hiệu cơ bản về bức xạ ion hóa và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8663:2011 (ISO 21482:2007) An toàn bức xạ - Cảnh báo bức xạ ion hóa - Dấu hiệu bổ sung;
(iv) Có nội quy an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ, bao gồm các quy định về: Tuân thủ quy trình làm việc và chỉ dẫn an toàn; sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị ghi đo bức xạ và liều kê cá nhân; trách nhiệm thông báo khi có hiện tượng bất thường có thể gây mất an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ;
(v) Có kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Trường hợp sử dụng nguồn phóng xạ Nhóm 1, Nhóm 2 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ, kế hoạch ứng phó sự cố phải được phê duyệt theo quy định tại Điều 36 Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
(2) Có buồng thao tác (hot cell) hoặc hệ thiết bị che chắn khi thao tác với nguồn phóng xạ.
(3) Có thiết bị phù hợp để thực hiện dịch vụ.
(4) Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 39 Nghị định 142/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Có thiết bị đo suất liều bức xạ; thiết bị này phải có Giấy chứng nhận hiệu chuẩn còn hiệu lực ít nhất 30 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận.
- Trường hợp có do mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt và không khí: Có thiết bị đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt và không khí; thiết bị này phải có Giấy chứng nhận hiệu chuẩn còn hiệu lực ít nhất 30 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận.
- Có liều kế cá nhân và trang thiết bị bảo hộ chống chiếu xạ ngoài cho nhân viên thực hiện dịch vụ. Trường hợp hoạt động dịch vụ có tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở phải có trang thiết bị bảo hộ chống chiếu xạ trong cho nhân viên thực hiện dịch vụ.
- Có chương trình bảo đảm chất lượng thực hiện dịch vụ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân xin cấp phép Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ cần đáp ứng được những điều kiện nêu trên.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ gồm những gì?
Theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ xin đề nghị cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy đăng ký dịch vụ theo Mẫu số 09 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP;
- Bản sao của một trong các loại giấy tờ sau:
+ Quyết định thành lập tổ chức,
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,
+ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ,
+ Các loại giấy tờ khác có giá trị tương đương.
Trường hợp giấy tờ bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ban hành hoặc cấp loại giấy tờ đó;
- Phiếu khai báo nhân viên thực hiện dịch vụ theo Mẫu số 15 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP, kèm theo Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của tổ chức đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động đối với nhân viên thực hiện dịch vụ;
- Bản sao Chứng chỉ hành nghề dịch vụ tương ứng với loại hình dịch vụ của các nhân viên thực hiện dịch vụ;
- Phiếu khai báo trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ tương ứng theo Mẫu số 16 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP;
- Báo cáo phân tích an toàn theo Mẫu số 12 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP;
- Bản sao hợp đồng dịch vụ đọc liều chiếu xạ cá nhân của nhân viên thực hiện dịch vụ;
- Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở;
- Bản sao Giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng chất phóng xạ, thiết bị bức xạ đối với trường hợp tổ chức có sử dụng chất phóng xạ, thiết bị bức xạ trên mức miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN trong quy trình thực hiện dịch vụ;
- Tài liệu khác chứng minh điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tương ứng với loại hình dịch vụ theo quy định của Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm đầy đủ những giấy tờ hợp lệ nêu trên.
Thẩm quyền cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ thuộc cơ quan nào?
Theo Điều 58 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền cấp và thời hạn của Giấy đăng ký và Chứng chỉ hành nghề
1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
2. Thời hạn của Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử:
a) Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ không có thời hạn. Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ khác có thời hạn 05 năm;
b) Giấy đăng ký hoạt động sau khi sửa đổi và cấp lại có thời hạn như Giấy đăng ký hoạt động cũ;
c) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử không có thời hạn.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân gồm những hình phạt nào? Hình phạt cao nhất là gì?