Tem Bưu chính Việt Nam là gì? Hành vi sử dụng tem Bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy có bị xử lý không?
Tem bưu chính Việt Nam là gì?
Theo khoản 20 Điều 3 Luật Bưu chính 2010 quy định về tem Bưu chính Việt Nam như sau:
Tem Bưu chính Việt Nam là ấn phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính của Việt Nam quyết định phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trên mạng bưu chính công cộng và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới.
Theo đó, tại Điều 16 Nghị định 47/2011/NĐ-CP phân loại tem Bưu chính Việt Nam, bao gồm các loại sau:
"Điều 16. Phân loại tem bưu chính Việt Nam
Tem bưu chính Việt Nam được phân loại như sau:
1. Tem bưu chính phổ thông là tem bưu chính không có thời hạn cung ứng và được phép in lại.
2. Tem bưu chính đặc biệt là tem bưu chính có thời hạn cung ứng và không được phép in lại. Tem bưu chính đặc biệt bao gồm tem bưu chính kỷ niệm và tem bưu chính chuyên đề."
Căn cứ quy định trên, ta thây tem Bưu chính Việt Nam bao gồm tem bưu chính phổ thông và tem bưu chính đặc biệt.
Tem Bưu chính Việt Nam
Việc sử dụng tem Bưu chính Việt Nam được quy định như thế nào?
Việc sử dụng tem Bưu chính Việt Nam được quy định tại Điều 17 Nghị định 47/2011/NĐ-CP như sau:
-. Tem bưu chính Việt Nam được sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành;
+ Không bị cấm lưu hành;
+ Chưa có dấu hủy;
+ Còn nguyên vẹn.
- Tem bưu chính đặc biệt trong thời hạn cung ứng, tem bưu chính phổ thông phải được bán trên mạng bưu chính công cộng theo đúng giá in trên mặt tem, trừ trường hợp tem bưu chính có dấu hủy.
- Tem bưu chính đặc biệt hết thời hạn cung ứng vẫn có giá trị sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính.
- Việc thu hồi và xử lý tem bưu chính đặc biệt hết thời hạn cung ứng được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Việc in tem bưu chính Việt Nam trên các ấn phẩm phải sử dụng tem bưu chính có in chữ “tem mẫu” (Specimen) hoặc tem bưu chính có dấu hủy, trừ trường hợp in phóng to gấp nhiều lần dưới dạng pa-nô, áp-phích.
Ngoài ra, Điều 22 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định về việc lưu trữ tem Bưu chính Việt Nam như sau:
- Tem bưu chính Việt Nam dành cho lưu trữ quốc gia và hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam là tài sản quốc gia và được lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
- Ngoài tem bưu chính Việt Nam dành cho lưu trữ quốc gia và hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm lưu trữ và bảo quản các loại kho tem bưu chính nghiệp vụ phục vụ cho các mục đích sau đây:
+ Phục vụ tuyên truyền, quảng bá;
+ Phục vụ nghiên cứu khoa học;
+ Phục vụ các hoạt động trao đổi với các nước thành viên của Liên minh Bưu chính Thế giới và các tổ chức quốc tế;
+ Phục vụ hoạt động quản lý nhà nước.
- Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về việc lưu trữ đối với tem bưu chính Việt Nam dành cho lưu trữ quốc gia, hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam và việc lưu trữ đối với các kho tem quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, việc sử dụng và lưu trữ tem Bưu chính Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và thực hiên theo quy định của pháp luật. Trong đó, các điều kiện đối với việc sử dụng tem Bưu chính Việt Nam bao gồm: Tem bưu chính do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, không bị cấm lưu hành, chưa có dấu hủy và còn nguyên vẹn.
Sử dụng tem Bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy có bị xử lý không?
Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm đối với tem bưu chính, cụ thể như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong việc thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính đối với một trong các hành vi sử dụng tem bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy.
Theo đó, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Như vậy, tem Bưu chính Việt Nam là ấn phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính của Việt Nam quyết định phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trên mạng bưu chính công cộng và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới. Tem bưu chính được phân thành 02 loại là tem bưu chính phổ thông và tem bưu chính đặc biệt. Việc sử dụng và lưu trữ tem Bưu chính Việt Nam phải đảm bảo tuân theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức có hành vi sử dụng tem Bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý vi phạm là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì áp dụng mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?
- Việc lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính phải tuân thủ nguyên tắc gì? Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm mấy bước?
- Nghị định 153/2024 quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 5/1/2025 thế nào?