Sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài bị xử phạt ra sao?
- Sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài bị xử phạt ra sao?
- Có phải nộp lại số tiền đã thu được trong quá trình sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài không?
- Khi nào sẽ áp dụng quy định về việc xử lý trường hợp sử dụng tên giống cây trồng trùng?
Sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài bị xử phạt ra sao?
Căn cứ Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Tại Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP có quy định về xử lý vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng như sau:
Vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giống cây trồng đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng quyền của chủ Bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân giống của giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng để thực hiện một trong các mục đích sau:
a) Sản xuất hoặc nhân giống;
b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
c) Chào hàng;
d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường;
đ) Xuất khẩu;
e) Nhập khẩu;
g) Lưu giữ để thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản này;
h) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ;
i) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc chủ yếu từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.
Bên cạnh đó tại Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt bằng 2 lần cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài sẽ bị phạt hành chính với mức tiền như sau:
- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài bị xử phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Có phải nộp lại số tiền đã thu được trong quá trình sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài không?
Căn cứ quy định trong các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả tại Điều 17 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điều này.
Như vậy, tổ chức, cá nhân sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.
Đồng thời, nếu có tang vật vi phạm, sẽ bị tịch thu tang vật đó.
Khi nào sẽ áp dụng quy định về việc xử lý trường hợp sử dụng tên giống cây trồng trùng?
Căn cứ quy định tại Điều 39 Nghị định 31/2023/NĐ-CP về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.
2. Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:
a) Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
c) Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
d) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Như vậy, từ ngày 28/7/2023 sẽ áp dụng quy định về việc xử phạt trường hợp sử dụng tên giống cây trùng với tên đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?