Sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn thì chủ tàu biển bị xử phạt thế nào?
- Sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn thì chủ tàu biển bị xử phạt thế nào?
- Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải được quyền xử phạt chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn là bao lâu?
Sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn thì chủ tàu biển bị xử phạt thế nào?
Theo khoản 3, điểm c khoản 5 Điều 44 Nghị định 142/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều động và bố trí hoa tiêu hàng hải như sau:
Vi phạm quy định về điều động và bố trí hoa tiêu hàng hải
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Gửi kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu hàng ngày chậm hơn thời gian quy định hoặc không thông báo về sự thay đổi đột xuất kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu cho Cảng vụ hàng hải;
b) Bố trí hoa tiêu không đúng với kế hoạch điều động của Cảng vụ hàng hải mà không báo trước cho Cảng vụ hàng hải biết.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải không phù hợp;
b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc không bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ số lượng hoa tiêu hoặc phương tiện tối thiểu theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc sử dụng hoặc bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu bảo đảm điều kiện an toàn đối với hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này;
d) Buộc bố trí đủ số lượng hoa tiêu hoặc phương tiện tối thiểu theo quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 4 Điều này.
Theo Điều 5 Nghị định 142/2017/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định mức phạt tiền như sau:
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền
Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đồng thời chủ tàu biển vi phạm còn bị buộc bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu bảo đảm điều kiện an toàn đối với hành vi vi phạm.
Phương tiện đưa đón hoa tiêu (Hình từ Internet)
Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải được quyền xử phạt chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn không?
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Nghị định 142/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 36 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của thanh tra như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra
1. Thanh tra viên thuộc thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo quy định trên, chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 40.000.000 đồng đối với cá nhân và cao nhất là 80.000.000 đồng đối với tổ chức nên Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải không được quyền xử phạt chủ tàu biển này.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 142/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm; riêng đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, cảng cạn, công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý giá, quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu biển sử dụng phương tiện đưa đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?