Sếp ép nhân viên uống rượu bia có thể bị phạt bao nhiêu tiền? Trưởng Công an cấp huyện có quyền xử phạt hành vi ép nhân viên uống rượu bia không?
Hành vi ép nhân viên uống rượu bia có vi phạm pháp luật?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
...
Theo quy định trên, hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong những các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Như vậy, hành vi ép nhân viên uống rượu bia là hành vi vi phạm phạm pháp luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sếp ép nhân viên uống rượu bia có thể bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Sếp ép nhân viên uống rượu bia có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.
Theo quy định trên, sếp ép nhân viên uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trưởng Công an cấp huyện có quyền xử phạt hành vi ép nhân viên uống rượu bia không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 106 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d, đ khoản 30 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh, gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế; Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Thủy đoàn trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 12.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 20.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; 40.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Theo quy định trên, Trưởng Công an cấp huyện có quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS.
Hành vi ép buộc người khác uống rượu bia theo điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP là một trong những hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nên Trưởng Công an cấp huyện có quyền xử phạt người sếp có hành vi ép nhân viên uống rượu bia.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dừng thi tuyển công chức và bổ nhiệm cán bộ, triển khai sắp xếp bộ máy
- Kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và xây dựng báo cáo định kỳ mấy năm một lần? Gửi báo cáo cho cơ quan nào?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại TP. Hà Nội?
- Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc hay, chọn lọc? Nhiệm vụ của học sinh trung học là gì?
- Mục đích của chỉ giới đường đỏ trên bản đồ quy hoạch và thực địa là gì theo quy định pháp luật?