Séc là gì? Nội dung của séc bao gồm những thông tin nào? Nếu séc thiếu một trong các nội dung đã quy định thì có giá trị hay không?
Séc là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 thì Séc được hiểu là một loại giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.
Séc là gì? Nội dung của séc bao gồm những gì (Hình từ Internet)
Nội dung của séc bao gồm những gì? Nếu séc thiếu một trong các nội dung đã quy định thì có giá trị hay không?
Theo Điều 58 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 thì nội dung của séc bao gồm những thông tin sau đây:
(1) Mặt trước séc có các nội dung sau đây:
- Từ "Séc" được in phía trên séc;
- Số tiền xác định (số tiền ghi bằng số trên séc phải bằng với số tiền ghi bằng chữ trên séc. Nếu số tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì séc không có giá trị thanh toán);
- Tên của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là người bị ký phát;
- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán séc theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán séc cho người cầm giữ;
- Địa điểm thanh toán;
- Ngày ký phát;
- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân và chữ ký của người ký phát.
Ngoài các nội dung trên đây, tổ chức cung ứng séc có thể đưa thêm những nội dung khác mà không làm phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý của các bên như số hiệu tài khoản mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc, địa chỉ của người ký phát, địa chỉ của người bị ký phát và các nội dung khác.
Trường hợp séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc thì trên séc phải có thêm các nội dung theo quy định của Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
(2) Mặt sau của séc:
Được sử dụng để ghi các nội dung chuyển nhượng Séc.
Lưu ý, nếu nội dung của séc thiếu một trong các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này (nội dung mặt trước của séc) thì sẽ không có giá trị, trừ trường hợp thiếu nội dung về địa điểm thanh toán thì séc vẫn sẽ có giá trị và sẽ được thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát.
Có được ký phát séc để ra lệnh cho chính người ký phát thực hiện thanh toán séc hay không?
Căn cứ theo Điều 60 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về việc ký phát séc như sau:
Ký phát séc
1. Séc được ký phát để ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán:
a) Cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và kèm theo một trong các cụm từ “không chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh”;
b) Cho một người xác định và cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và không có cụm từ không cho phép chuyển nhượng quy định tại điểm a Khoản này;
c) Cho người cầm giữ séc, bằng cách ghi cụm từ “trả cho người cầm giữ séc” hoặc không ghi tên người thụ hưởng.
2. Séc có thể được ký phát ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán số tiền ghi trên séc cho chính người ký phát.
3. Séc không được ký phát để ra lệnh cho chính người ký phát thực hiện thanh toán séc, trừ trường hợp ký phát để trả tiền từ đơn vị này sang đơn vị khác của người ký phát.
4. Người ký phát séc là tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, séc không được ký phát để ra lệnh cho chính người ký phát thực hiện thanh toán séc, trừ trường hợp ký phát để trả tiền từ đơn vị này sang đơn vị khác của người ký phát.
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với việc phát hành và sử dụng séc?
Tại khoản 1 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.
Theo đó, séc cũng được coi là một trong những loại công cụ chuyển nhượng. Chính vì vậy, căn cứ theo Điều 15 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về các hành vi bị cấm đối với các công cụ chuyển nhượng cụ thể như sau:
Các hành vi bị cấm
1. Làm giả công cụ chuyển nhượng, sửa chữa hoặc tẩy xóa các yếu tố trên công cụ chuyển nhượng.
2. Cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc xuất trình để thanh toán công cụ chuyển nhượng bị làm giả, bị sửa chữa, bị tẩy xóa.
3. Ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền hoặc giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng.
4. Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất.
5. Cố ý phát hành công cụ chuyển nhượng khi không đủ khả năng thanh toán.
6. Cố ý phát hành séc sau khi bị đình chỉ quyền phát hành séc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?