Quy trình biên soạn giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện như thế nào? Cấu trúc của giáo trình đào tạo gồm những gì?
Quy trình biên soạn giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH và khoản 7 Điều 1 Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH, hiện nay việc biên soạn giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện theo quy trình sau đây:
Bước 01: Thành lập Tổ biên soạn giáo trình đào tạo
- Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ra quyết định thành lập Tổ biên soạn giáo trình đào tạo (sau đây gọi là Tổ biên soạn).
- Thành phần Tổ biên soạn có từ 5 đến 7 thành viên, gồm Tổ trưởng, thư ký và các thành viên là giáo viên, giảng viên, các chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm đối với nghề đào tạo.
- Tiêu chuẩn đối với thành viên Tổ biên soạn: có trình độ trung cấp trở lên; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của nghề cần biên soạn giáo trình.
- Quyền hạn và trách nhiệm của Tổ biên soạn:
+ Tổ biên soạn có thể thành lập các Nhóm để biên soạn giáo trình một số mô đun của nghề; Mỗi nhóm biên soạn có từ 3 đến 5 thành viên là giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đối với nghề biên soạn. Nhóm giúp Tổ biên soạn thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình đối với nghề được giao;
+ Quy định trách nhiệm của các nhóm biên soạn giáo trình đào tạo;
+ Tổ chức hướng dẫn phương pháp, quy trình tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo cho thành viên các nhóm biên soạn;
+ Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của giáo trình; báo cáo trước Hội đồng thẩm định và hoàn thiện dự thảo theo góp ý của Hội đồng thẩm định.
Bước 02: Thiết kế cấu trúc giáo trình đào tạo
Tổ biên soạn tổ chức nghiên cứu chương trình đào tạo của nghề, chương trình chi tiết mô - đun, tín chỉ; Thu thập, tham khảo các tài liệu có liên quan làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình. Cụ thể:
- Xác định mục tiêu của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương của mô - đun, tín chỉ;
- Xác định kiến thức cốt lõi, đặc trưng; kết cấu, thể loại bài tập/sản phẩm để hình thành kỹ năng nhằm đạt được mục tiêu của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương của mô - đun, tín chỉ;
- Tổ chức hội thảo, xin ý kiến chuyên gia về cấu trúc của giáo trình đào tạo;
- Tổng hợp, hoàn thiện các nội dung về cấu trúc của giáo trình đào tạo.
Bước 03: Biên soạn giáo trình đào tạo
- Biên soạn nội dung chi tiết giáo trình mô - đun, tín chỉ;
- Hội thảo xin ý kiến chuyên gia (gồm các giáo viên, giảng viên đang trực tiếp giảng dạy, cán bộ quản lý, nghiên cứu và chuyên gia của nghề đào tạo về nội dung của từng giáo trình mô - đun, tín chỉ);
- Tổng hợp, hoàn thiện giáo trình đào tạo sau khi có ý kiến chuyên gia.
Bước 04: Sửa chữa, biên tập, hoàn thiện dự thảo giáo trình đào tạo
- Sửa chữa biên tập tổng thể giáo trình đào tạo;
- Gửi xin ý kiến chuyên gia về giáo trình đào tạo, gồm kỹ sư chuyên ngành đang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan trên địa bàn;
- Hoàn thiện giáo trình đào tạo.
Bước 05: Thẩm định và ban hành giáo trình đào tạo
- Gửi bản dự thảo giáo trình tới Hội đồng thẩm định giáo trình kèm theo báo cáo tóm tắt quá trình biên soạn và những nội dung cốt lõi của giáo trình đào tạo;
- Bảo vệ giáo trình trước cuộc họp Hội đồng thẩm định giáo trình;
- Hoàn thiện giáo trình theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định giáo trình;
- Trình người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp giáo trình đã được hoàn thiện (kèm theo báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình) để xem xét, quyết định ban hành giáo trình đào tạo.
Bước 06: Đánh giá và cập nhật nội dung giáo trình đào tạo.
Quy trình biên soạn giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp
Cấu trúc của giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH và khoản 7 Điều 1 Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH quy định nội dung và cấu trúc của giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp ứng với mỗi nghề đào tạo phải đảm bảo có các nội dung sau đây:
Nội dung, cấu trúc của chương trình, giáo trình đào tạo
...
2. Nội dung và cấu trúc của giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp ứng với mỗi nghề đào tạo phải đảm bảo các nội dung sau:
a) Thông tin chung của giáo trình (tên mô - đun, tín chỉ, tên nghề đào tạo, trình độ đào tạo; tuyên bố bản quyền; lời giới thiệu; mục lục;...);
b) Mã mô - đun, tín chỉ, vị trí, tính chất, ý nghĩa và vai trò; mục tiêu của giáo trình mô - đun;
c) Nội dung của giáo trình mô - đun, tín chỉ; tên bài/chương; mã bài/chương; giới thiệu bài/chương; mục tiêu bài/chương; nội dung kiến thức, kỹ năng của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương (gồm: kiến thức, kỹ năng và quy trình, cách thức thực hiện công việc; các bản vẽ, hình vẽ, bài tập, những điểm cần ghi nhớ);
d) Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập khi kết thúc bài/chương và kết thúc mô - đun, tín chỉ.
Cơ sở đào tạo sơ cấp phải tổ chức đánh giá giáo trình đào tạo mấy năm một lần?
Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về việc lựa chọn, cập nhật, đánh giá giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp như sau:
Lựa chọn, cập nhật, đánh giá giáo trình đào tạo
...
2. Cập nhật, đánh giá giáo trình đào tạo
a) Ít nhất 3 năm một lần, người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp phải tổ chức đánh giá giáo trình đào tạo mà cơ sở mình đang tổ chức đào tạo.
b) Dự thảo những nội dung cần sửa đổi, cập nhật giáo trình đào tạo và tổ chức thẩm định giáo trình đào tạo theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
c) Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ban hành giáo trình đào tạo cập nhật, bổ sung trên cơ sở đề xuất của Hội đồng thẩm định chương trình sau khi chương trình đào tạo được đánh giá theo quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều này.
Theo đó, người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp phải tổ chức đánh giá giáo trình đào tạo mà cơ sở mình đang tổ chức đào tạo ít nhất 3 năm một lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ thanh toán đối với hợp đồng tư vấn xây dựng bao gồm những tài liệu gì theo quy định mới nhất?
- Cán bộ công đoàn chuyên trách là gì? Nguyên tắc quản lý cán bộ công đoàn chuyên trách không hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn?
- Đương sự bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại do QĐHC, HVHC gây ra có phải là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu không?
- Mẫu bản kiểm điểm của người lao động trong doanh nghiệp mới nhất? Cách viết bản kiểm điểm của người lao động?
- Hội nghị đại biểu công đoàn được tổ chức trong trường hợp nào? Người trúng cử tại hội nghị đại biểu công đoàn phải có tỷ lệ bầu cử thế nào?