Thế nào là người đại diện trong tố tụng dân sự? Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc ly hôn được hay không?
Thế nào là người đại diện trong tố tụng dân sự?
Theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về người đại diện trong tố tụng dân sự như sau:
- Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
- Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
- Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Thế nào là người đại diện trong tố tụng dân sự? Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc ly hôn được hay không?
Trường hợp nào không được làm người đại diện?
Căn cứ Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về các trường hợp không được làm người đại diện, cụ thể:
"Điều 87. Những trường hợp không được làm người đại diện
1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật."
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp trên thì không được phép làm người đại diện.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng được pháp luật quy định thế nào?
Tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng như sau:
"Điều 86. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện
1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền."
Tức là các quyền và nghĩa vụ mà người đại diện được phép thực hiện sẽ được hai bên người đại diện và người được đại diện thỏa thuận với nhau. Và người đại diện chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong phạm vi của nội dung thỏa thuận đó.
Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc ly hôn được hay không?
Căn cứ khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về vấn đề này như sau:
"4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện."
Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
[...] 2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."
Như vậy, đối với việc ly hôn, bạn không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng, trừ trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình nêu trên thì họ là người đại diện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu quyết định cho thôi việc mới nhất 2025? Tải mẫu quyết định cho thôi việc năm 2025?
- Giao 3.212 biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Nghệ An? Tải về phụ lục xem chi tiết?
- Mẫu Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc hư hỏng?
- Cách viết phong bì mừng thọ người cao tuổi 2025 hay và ý nghĩa? Cách viết phong bì mừng thọ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 tuổi?
- Điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình hạng 1 chuẩn Nghị định 175 được quy định như nào?