Quy chế cuộc đấu giá tài sản được quy định như thế nào? Những ai được tham gia đăng ký đấu giá tài sản?
Quy chế cuộc đấu giá tài sản quy định thế nào?
Tại Điều 34 Luật Đấu giá tài sản 2016 về quy chế cuộc đấu giá như sau:
- Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.
- Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:
+ Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;
+ Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;
+ Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá;
+ Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;
+ Tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước;
+ Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;
+ Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá;
+ Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;
+ Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước.
- Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá.
Có được xem tài sản trước khi được đấu giá không?
Theo Điều 36 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định:
- Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ tên của người có tài sản đấu giá và thông tin về tài sản đó.
- Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, đối với tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được xem giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày.
Tại Điều 37 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: Cuộc đấu giá được tổ chức tại trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Xem tài sản trước khi đấu giá
Giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 8 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định:
(1) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm:
- Trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;
- Trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Trước khi tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.
(2) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định như sau:
- Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó;
- Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này thì giá khởi điểm do người có tài sản đấu giá tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản hoặc cá nhân, tổ chức khác xác định.
- Tài sản đấu giá được giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá và được sự đồng ý của người có tài sản đấu giá. Trình tự, thủ tục giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu thanh toán chi phí giám định.
Trường hợp nào được đăng ký tham gia đấu giá tài sản?
Căn cứ Điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định đăng ký tham gia đấu giá như sau:
- Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.
- Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày.
- Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.
- Những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:
+ Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
+ Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
+ Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;
+ Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;
+ Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?