Phiên họp định giá tài sản có bắt buộc phải có tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tham dự hay không?
Phiên họp định giá tài sản có bắt buộc phải có tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tham dự hay không?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định về phiên họp định giá tài sản như sau:
Phiên họp định giá tài sản
1. Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. Chủ tịch Hội đồng định giá điều hành phiên họp định giá tài sản.
2. Mỗi thành viên của Hội đồng định giá có mặt tại phiên họp phát biểu ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản trên cơ sở kết quả thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá tài sản quy định tại Nghị định này.
3. Trước khi tiến hành phiên họp định giá tài sản, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá.
4. Hội đồng định giá tài sản kết luận về giá của tài sản theo ý kiến đa số của những thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào Biên bản phiên họp định giá tài sản.
5. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá biết; khi được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng thì có quyền đưa ra ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá của tài sản.
Như vậy, theo quy định nêu trên, phiên họp định giá tài sản không bắt buộc phải có tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tham dự mà chỉ cần có ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá.
Tuy nhiên, riêng với trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên.
Định giá tài sản (Hình từ Internet)
Hội đồng định giá tài sản có được từ chối thực hiện định giá tài sản khi được yêu cầu hay không?
Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 97/2019/NĐ-CP quy định về quyền của Hội đồng định giá tài sản cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản
1. Hội đồng định giá có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết cho việc định giá;
b) Thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản; thuê tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn về giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật và các nội dung khác phục vụ việc định giá tài sản. Việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá và các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn được tiến hành trong các trường hợp cần thiết do Hội đồng định giá tài sản quyết định.
Trường hợp thực hiện định giá tài sản phục vụ các vụ án cần thực hiện gấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các gói thầu thẩm định giá tài sản, gói thầu thuê tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn về giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật và các nội dung khác phục vụ việc định giá tài sản được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Luật Đấu thầu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Từ chối thực hiện định giá tài sản trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá; không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành định giá; các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để định giá; nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;
d) Được bảo đảm về tài chính đầy đủ, kịp thời và các cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Hội đồng định giá tài sản có thể từ chối thực hiện định giá tài sản trong các trường hợp sau đây:
- Thời gian không đủ để tiến hành định giá;
- Không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành định giá;
- Các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để định giá;
- Nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình.
Thành viên Hội đồng định giá tài sản nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, thành viên của Hội đồng định giá có những nghĩa vụ sau đây:
- Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;
- Tham gia các phiên họp của Hội đồng định giá khi được yêu cầu;
- Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này;
- Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người làm việc tại hội có nằm trong khoản chi của hội không?
- Hướng dẫn tra cứu mã chương, tiểu mục nộp thuế môn bài năm 2025? Mã chương, tiểu mục nộp thuế môn bài năm 2025 thế nào?
- Phương pháp xác định mức sử dụng năng lượng trong các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa từ ngày 1/4/2025 ra sao?
- Đáp án tuần 2 cuộc thi tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh Bảng A thế nào?
- Quà tết tặng cho nhân viên, người lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân không? Cách tính số thuế từ quà tặng?