Phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số được áp dụng đối với các dịch vụ nào? Không nộp phí dịch vụ bao lâu thì bị tạm đình chỉ?
Phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số được áp dụng đối với các dịch vụ nào?
Phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số được áp dụng đối với các dịch vụ nào, căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 23/2025/NĐ-CP có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Khóa” là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã.
2. “Ký số” là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu.
3. “Chứng thư chữ ký số có hiệu lực” là chứng thư chữ ký số chưa hết hạn, không bị tạm dừng hoặc bị thu hồi.
4. “Mã bảo đảm toàn vẹn thông điệp dữ liệu” là một dãy ký tự được sử dụng để kiểm tra được tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu.
5. “Thuê bao” là cơ quan, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ tin cậy với tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.
6. “Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia” là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
7. “Quy chế chứng thực” là văn bản về chính sách và quy trình, thủ tục cấp, quản lý chứng thư chữ ký điện tử hoặc chứng thư chữ ký số, sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc dịch vụ tin cậy của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
8. “Phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số” là khoản tiền để duy trì hệ thống thông tin phục vụ việc kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.
9. “Phương tiện lưu khóa bí mật” là phương tiện chứa khóa bí mật của thuê bao.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì ta có thể hiểu phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số hay phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số là khoản tiền để duy trì hệ thống thông tin phục vụ việc kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.
Phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số được áp dụng đối với các dịch vụ nào? (Hình từ internet)
Không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm kê khai, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số trong bao lâu thì bị tạm đình chỉ giấy phép?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định 23/2025/NĐ-CP có quy định như sau:
Tạm đình chỉ giấy phép
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy bị tạm đình chỉ giấy phép không quá 06 tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Cung cấp dịch vụ sai với nội dung ghi trên giấy phép;
b) Không đáp ứng được một trong các điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 18 của Nghị định này kể từ thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ;
c) Không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm kê khai, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí quá 06 tháng.
2. Thủ tục tạm đình chỉ giấy phép, tạm dừng chứng thư chữ ký số
a) Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức làm việc và lập biên bản làm việc với tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hành biên bản, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ban hành quyết định tạm đình chỉ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tạm dừng chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy và công bố trên trang thông tin điện tử (https://rootca.gov.vn/) trong trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy bị tạm đình chỉ hoặc hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ tin cậy không đáp ứng các quy định về kiểm toán kỹ thuật.
3. Trong thời gian bị tạm đình chỉ giấy phép, trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy khắc phục xong lý do bị tạm đình chỉ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cho phép tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy được tiếp tục cung cấp dịch vụ; phục hồi chứng thư chữ ký số trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày khắc phục lý do bị tạm dừng.
Như vậy, theo quy định trên thì việc không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm kê khai, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống chữ ký số quá 6 tháng thì bị tạm đình chỉ giấy phép không quá 6 tháng.
Nội dung của chứng thư chữ ký số bao gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 23/2025/NĐ-CP thì nội dung của chứng thư chữ ký số bao gồm những nội dung sau:
(1) Nội dung chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia bao gồm:
- Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia
- Số hiệu chứng thư chữ ký số
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số;
- Khóa công khai của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia
- Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia;
- Mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số
- Trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia
- Thuật toán khóa không đối xứng.
(2) Nội dung chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ bao gồm:
- Tên của tổ chức cấp chứng thư chữ ký số
- Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy
- Số hiệu chứng thư chữ ký số
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số
- Khóa công khai của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy
- Chữ ký số của tổ chức cấp chứng thư chữ ký số
- Mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số
- Trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy
- Thuật toán khóa không đối xứng.
(3) Nội dung của chứng thư chữ ký số công cộng bao gồm:
- Tên của tổ chức phát hành chứng thư chữ ký số
- Tên của thuê bao
- Số hiệu chứng thư chữ ký số;
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số;
- Khóa công khai của thuê bao
- Chữ ký số của tổ chức phát hành chứng thư chữ ký số
- Mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số
- Trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
- Thuật toán khóa không đối xứng.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.