Phẫu thuật tim cho trẻ thuộc hộ cận nghèo sẽ không được hỗ trợ nếu như đã thực hiện việc mổ trước khi làm hồ sơ, thủ tục?
Phẫu thuật tim cho trẻ thuộc hộ cận nghèo sẽ không được hỗ trợ nếu như đã thực hiện việc mổ trước khi làm hồ sơ, thủ tục?
Căn cứ tại Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013 về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh quy định như sau:
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh:
Trẻ em có Thẻ bảo hiểm y tế:
- Thuộc hộ gia đình nghèo;
- Thuộc hộ gia đình cận nghèo;
- Thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật.
Về chính sách hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim
- Hỗ trợ chi phí khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật tim, chi phí phẫu thuật tim.
+ Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, phẫu thuật tim theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
+ Ngân sách địa phương thanh toán phần chi phí mà Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán.
- Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn với mức 50.000 đồng/trẻ em/ngày, trong thời gian không quá 15 ngày.
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ tiền đi lại theo giá phương tiện công cộng thông thường.
Thêm vào đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh theo Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013 thì:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tổ chức triển khai Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013 trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
+ Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức thực hiện Quyết định này tại địa phương.
+ Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để thực hiện Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013.
+ Kiểm tra, thanh tra, đánh giá và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013 ở địa phương, báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy rằng, hiện nay, trên phạm vi cả nước thì chưa có quy định thống nhất về việc thực hiện chi trả các chi phí trong chính sách hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim sẽ được thực hiện khi nào hoặc trong trường hợp phẩu thuật trước có được chi trả không.
Việc này có thể phụ thuộc vào quy định cụ thể của từng địa phương khi tổ chức thực hiện Quyết định 55a/2013/QĐ-TTg năm 2013.
Hay nói cách khác, các nhà làm luật chỉ quy định chung về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong đó có trẻ em có Thẻ bảo hiểm y tế thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Mặt khác, đối với trường hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi địa phương bạn cư trú từ chối việc hỗ trợ chi phí khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật tim, chi phí phẫu thuật tim, bạn có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình để được giải đáp sâu hơn.
Phẫu thuật tim cho trẻ thuộc hộ cận nghèo sẽ không được hỗ trợ nếu như đã thực hiện việc mổ trước khi làm hồ sơ, thủ tục? (Hình từ Internet)
Quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim như thế nào?
Như đã phân tích ở trên thì tính đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi cả nước thì chưa có quy định thống nhất về việc thực hiện chi trả các chi phí trong chính sách hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim sẽ được thực hiện khi nào hoặc trong trường hợp phẫu thuật trước có được chi trả không.
Mặc dù vậy, bạn có thể tham khảo chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dưới đây:
Căn cứ tại Điều 3 Nghị quyết 94/2022/NQ-HĐND thì trình tự thực hiện việc chi trả chính sách hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim như sau:
Bước 1: Cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng, người giám hộ đối với trẻ em thuộc đối tượng quy định nộp hồ sơ tại Bộ nhận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời xuất trình bản chính của các bản sao thành phần hồ sơ để công chức một cửa kiểm tra, đối chiếu.
Trong đó, thành phần hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã nơi cư trú của đối tượng được hỗ trợ.
- Bản sao thẻ Bảo hiểm y tế.
- Bản sao giấy thanh toán viện phí (chi phí khám, phẫu thuật tim).
- Bản sao giấy ra viện.
- Bản gốc vé đi lại của các phương tiện giao thông thực tế đi khám, phẫu thuật tim (vé xe ôtô, vé tàu hỏa, vé máy bay, vé taxi...); hóa đơn và các chứng từ khác theo quy định (nếu có).
- Bản sao các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Bước 2: Bộ nhận Tiếp nhận và Trả kết quả nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ, yêu cầu đối tượng bổ sung (nếu thiếu) và viết giấy biên nhận; chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em).
Bước 3: Phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em kiểm tra hồ sơ theo quy định và tham mưu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo, Phòng tham mưu lãnh đạo Sở có văn bản trả lời, chuyển Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả lại cho đối tượng.
Bước 4: Phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em chuyển Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để trả kết quả cho đối tượng.
Lưu ý: đối tượng áp dụng: Trẻ em có thẻ bảo hiểm y tế và thường trú tại thành phố Đà Nẵng thuộc đối tượng:
- Trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn của thành phố.
- Trẻ em thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn của thành phố.
- Trẻ em thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố.
- Trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng.
Chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là gì?
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP thì chuẩn hộ cận nghèo như sau:
Đối với khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Đối với khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?
- Chức năng của công tác xã hội là gì? Công tác xã hội có góp phần thúc đẩy công bằng xã hội hay không?
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?
- Ngân hàng là gì? Ngân hàng có những loại hình nào? Hình thức pháp lý của ngân hàng là gì theo quy định?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?