Phát hiện không phải con ruột sau ly hôn, đổi họ cho con bằng cách nào? Thủ tục đổi họ cho con tại UBND xã như thế nào?
Phát hiện không phải con ruột sau ly hôn, đổi họ cho con bằng cách nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
...
Như vậy, trường hợp con được xem là con chung của vợ chồng khi:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân;
- Do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân sinh ra;
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân theo quy định của pháp luật;
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận.
Do đó, dù trên thực tế con có thể không phải là con ruột nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì vẫn được xác định là con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Trường hợp vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung sau khi ly hôn, theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP, Tòa án sẽ xác định theo quy định pháp luật.
Để thực hiện thay đổi họ cho con sang họ của cha ruột sau khi ly hôn với chồng cũ bắt buộc phải chứng minh được quan hệ cha con giữa đứa trẻ và người cha ruột, tuy nhiên vào thời điểm này đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của người vợ và chồng cũ theo quyết định thuận tình ly đã được công bố, khi đó để thực hiện thay đổi họ cho con cần hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã được công bố trước đây.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 352 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
...
Theo đó, việc xác định đứa con không phải con chung của vợ chồng sẽ làm thay đổi cơ bản nội dung của Quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà sự việc này Tòa án và cặp vợ chồng không biết được trong quá trình giải quyết ly hôn.
Người vợ có thể nộp đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo thủ tục tái thẩm.
Và để thực hiện thủ tục này cần có những chứng cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, cụ thể gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
+ Người vợ có thể tiến hành giám định ADN (Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định có thẩm quyền) để làm chứng cứ chứng minh.
Sau đó nộp đơn yêu cầu nộp đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo thủ tục tái thẩm do có tình tiết mới không thể biết là đứa bé không phải là con ruột của chồng cũ.
Khi xét thấy đủ căn cứ và yêu cầu hợp lệ, Tòa sẽ ra quyết định hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Trường hợp quyết định công nhận thuận tình ly hôn được hủy bỏ theo quy định của pháp luật thì người vợ và chồng cũ vẫn còn quan hệ hôn nhân, khi đó, căn cứ quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người vợ có thể yêu cầu Tòa án xác định cha ruột cho con và tiếp tục thực hiện thủ tục ly hôn với người chồng cũ.
Sau khi quyết định ly hôn có hiệu lực và Tòa án đã xác định đứa trẻ không phải là con chung của người vợ và chồng cũ, người vợ có thể liên hệ cơ quan hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc đổi họ cho con sang họ người cha ruột.
Phát hiện không phải con ruột sau ly hôn, đổi họ cho con bằng cách nào? (Hình từ Internet)
Thực hiện thủ tục đổi họ cho con tại Ủy ban nhân dân xã như thế nào?
Trong trường hợp muốn đổi họ cho con sang họ của người cha ruột trước tiên phải xác định người kia là cha của đứa trẻ theo quy định của pháp luật.
* Thủ tục đăng ký nhận cha cho con
Theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người có nhu cầu xác nhận quan hệ cha con cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai nhận cha con theo mẫu quy định;
TẢI VỀ Tờ khai nhận cha con
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con;
- Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, bao gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
- Trường hợp không có văn bản chứng minh nêu trên thì các bên nhận cha, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, con.
+ Cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật cho người đăng ký được biết
+ Nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật, cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký nhận cha con.
Lưu ý: Khi đăng ký nhận cha, con các bên phải có mặt.
Khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết, người đăng ký nhận cha đối với con thực hiện đăng ký theo thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Người yêu cầu đăng ký nhận cha, con xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã.
Trong đó, giấy tờ tùy thân hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.
Nếu thấy việc nhận cha, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.
Sau khi đã xác nhận mối quan hệ cha con theo đúng quy định của pháp luật thì người vợ và người cha ruột có thể thực hiện thủ tục thay đổi họ cho con theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015.
* Thủ tục thay đổi họ cho con
Khi đăng ký thay đổi họ cho con, người yêu cầu đăng ký cần chuẩn bị tờ khai theo mẫu tại Công văn 1288/HTQTCT-HT và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch, trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi họ cho con nộp tờ khai theo mẫu quy định.
TẢI VỀ Tờ khai đăng ký
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi họ cho người con là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan thì:
Công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi họ cho con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi họ cho người con liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
- Trường hợp đăng ký thay đổi họ cho con không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Lệ phí đăng ký thay đổi họ cho con tại Ủy ban nhân dân xã là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí trong lĩnh vực hộ tịch thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, lệ phí thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi họ cho con sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từng địa phương quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tự xông đất đầu năm 2025 có tốt không? Người đi xông đất đầu năm cần làm gì? Xông đất đầu năm kiêng gì?
- Tiêu chuẩn cấp phát trang phục của chiến sĩ Dân quân tự vệ cơ động gồm những gì theo Nghị định 72?
- Hiệu trưởng có được bổ sung thêm thời gian nâng bậc lương trước thời hạn 3 tháng không? Tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn hiện nay?
- Địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Yên Bái? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Yên Bái như thế nào?
- Địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Bạc Liêu? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Bạc Liêu như thế nào?