Phân biệt tài nguyên năng lượng tái tạo và tài nguyên năng lượng không tái tạo? Nhà nước có chính sách gì về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?

Xin hỏi tài nguyên năng lượng tái tạo và tài nguyên năng lượng không tái tạo là gì? Nhà nước có chính sách gì về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không? Ngoài ra, xin hỏi trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm của cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung và biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng nói riêng của cơ sở sản xuất gia công hàng hóa là gì?

Tài nguyên năng lượng tái tạo và không tái tạo là gì?

Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 định nghĩa hai khái niệm trên như sau:

"2. Tài nguyên năng lượng không tái tạo gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo.
3. Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo."

Tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng

Nhà nước có chính sách gì về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?

Tại Điều 5 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 quy định chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sau:

- Áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu.

- Hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tăng đầu tư, áp dụng đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; thực hiện lộ trình áp dụng nhãn năng lượng; từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp.

- Khuyến khích phát triển dịch vụ tư vấn; đầu tư hợp lý cho công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm của cơ sở sản xuất công nghiệp và biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng của cơ sở sản xuất gia công hàng hóa là gì?

Tại Điều 9 và Điều 10 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 quy định trách nhiệm và biện pháp như sau:

* Điều 9. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở sản xuất công nghiệp

- Cơ sở sản xuất công nghiệp gồm cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá; cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị; cơ sở khai thác mỏ; cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng.

- Cơ sở sản xuất công nghiệp có trách nhiệm:

+ Xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

+ Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất;

+ Áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát; sử dụng tối đa ánh sáng, thông gió tự nhiên;

+ Thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng;

+ Loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong từng ngành sản xuất công nghiệp.

* Điều 10. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá

Cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá căn cứ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng để lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý sau đây:

- Đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; thay thế thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;

- Cải tiến, hợp lý hoá các quá trình:

+ Đốt nhiên liệu trong lò hơi, lò luyện, lò nung, lò sấy;

+ Trao đổi nhiệt trong thiết bị gia nhiệt, làm lạnh;

+ Chuyển hóa nhiệt năng thành điện năng, điện năng thành nhiệt năng, cơ năng và các dạng chuyển hóa năng lượng khác;

- Tận dụng nhiệt thừa của lò hơi, lò luyện, lò nung, hơi nước thải nóng cho mục đích sản xuất và đời sống;

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn hao năng lượng trong hệ thống cung cấp điện và cung cấp nhiệt;

- Sử dụng động cơ điện, lò hơi, máy bơm có hiệu suất cao, thiết bị biến tần, thiết bị điều chỉnh tốc độ động cơ cho công trình xây lắp mới hoặc thay thế, sửa chữa;

- Áp dụng công nghệ đồng phát nhiệt điện đối với cơ sở chế biến, gia công, sản xuất sản phẩm hàng hoá có tiềm năng phát triển phụ tải điện và nhiệt.

17,234 lượt xem
Tài nguyên năng lượng
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Phân biệt tài nguyên năng lượng tái tạo và tài nguyên năng lượng không tái tạo? Nhà nước có chính sách gì về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?
Pháp luật
Giải pháp hỗ trợ công nghệ năng lượng tái tạo được quy định thế nào? Thông tin tuyên truyền cho cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thực hiện như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.


TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Tài nguyên năng lượng Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tài nguyên năng lượng Xem toàn bộ văn bản về Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào