Ổ dịch bạch hầu là gì? Việc tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch bạch hầu phải dựa trên cơ sở nào?
Ổ dịch bạch hầu là gì?
Căn cứ tại Mục 2 Phần II Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì định nghĩa ổ dịch như sau:
Ổ dịch bạch hầu là một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) ghi nhận từ 01 ca bệnh xác định trở lên.
Ổ dịch kết thúc: khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày ca bệnh cuối cùng được cách ly y tế.
Ổ dịch bạch hầu là gì? Việc tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch bạch hầu phải dựa trên cơ sở nào? (Hình từ Internet)
Việc tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch bạch hầu phải dựa trên cơ sở nào?
Tại Mục 4 Phần IV Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì:
Tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch và các khu vực lân cận càng sớm càng tốt.
Tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ và đặc điểm từng ổ dịch để quyết định phạm vi, đối tượng, lứa tuổi cần tiêm vắc xin chống dịch.
Lựa chọn loại vắc xin sử dụng cho từng nhóm đối tượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều).
(1) Tiêm vắc xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib)
- Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi:
Tại thời điểm triển khai nếu chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin thì sẽ tiêm 01 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib trong chiến dịch này nếu mũi tiêm trước đó cách từ 1 tháng trở lên. Tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên cho đủ 3 mũi cơ bản.
- Trẻ từ 13-18 tháng tuổi:
+ Nếu chưa được tiêm đủ 03 mũi vắc xin thì sẽ tiêm bù 01 mũi DPT-VGB- Hib trong chiến dịch này và tiêm các mũi còn lại trong tiêm chủng thường xuyên.
+ Nếu trẻ đã tiêm đủ 03 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib thì sẽ tiêm 1 mũi DPT-VGB-Hib trong đợt này và không cần tiêm DPT lúc 18 tháng trong tiêm chủng thường xuyên.
Lưu ý: đối với nhóm trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi nếu gia đình không nhớ hoặc không có bằng chứng về tiêm chủng thì COI NHƯ CHƯA TIÊM và sẽ phải tiêm đầy đủ các mũi vắc xin DPT-VGB-Hib theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
(2) Tiêm vắc xin DPT
- Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi:
Nếu chưa được tiêm đủ 04 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib trước đó thì sẽ tiêm 01 mũi DPT trong chiến dịch này.
Lưu ý: đối với nhóm trẻ từ 19 tháng đến 48 tháng tuổi nếu không nhớ hoặc không có bằng chứng về tiêm chủng thì COI NHƯ CHƯA TIÊM và sẽ phải tiêm 2 mũi vắc xin DPT cách nhau 1 tháng trong chiến dịch này. Tiếp tục tiêm mũi 3 cách mũi 2 là 6 tháng trong tiêm chủng thường xuyên nếu ở thời điểm tiêm mũi 3 trẻ vẫn dưới 48 tháng tuổi.
Không được tiêm vắc xin DPT cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên vì những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là gây co giật có thể xảy ra ở trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên (vắc xin DPT là vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều sẽ gây phản ứng mạnh ở trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên).
(3) Tiêm vắc xin Td
Tre từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi vắc xin Td cách nhau 1 tháng không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin bạch hầu trước đây, trừ những người mới tiêm vắc xin vắc xin có thành phần bạch hầu trong vòng 1 tháng.
Việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong ổ dịch bạch hầu được quy định như thế nào?
Việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong ổ dịch bạch hầu được quy định tại Mục 3 Phần IV Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cụ thể như sau:
- Tổ chức dùng kháng sinh dự phòng cho tất cả người tiếp xúc gần và những người có liên quan dịch tễ trong ổ dịch càng sớm càng tốt, tùy theo người bệnh cụ thể để chỉ định cho phù hợp, cụ thể:
+ Tiêm bắp 1 liều duy nhất Benzathine penicillin: Trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị.
+ Hoặc uống Azithromycin trong 7 ngày: Trẻ em 10-12mg/kg 1 lần/ngày, tối đa 500mg/ngày; người lớn: 500mg/ngày, trong 7 ngày.
+ Hoặc uống Erythromycin trong 7 ngày: Trẻ em 40mg/kg/ngày, chia 4 lần cách nhau 6 giờ; người lớn 1g/ngày, chia 4 lần cách nhau 6 giờ.
- Lưu ý khi sử dụng kháng sinh dự phòng:
+ Đối tượng, phạm vi cho uống kháng sinh dự phòng tại ổ dịch phải dựa vào đặc điểm dịch tễ từng ổ dịch để quyết định.
+ Cán bộ y tế và các đoàn thể địa phương phân công từng người thực hiện kiểm tra giám sát việc uống thuốc tại từng hộ gia đình. Phải đảm bảo uống thuốc trước mặt người kiểm tra hàng ngày.
+ Trường hợp khó kiểm soát hoặc khó thực hiện việc uống kháng sinh dự phòng (đối tượng phải đi xa; không hợp tác; không uống được) thì nên sử dụng tiêm kháng sinh dự phòng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài phát biểu tất niên xóm, tổ dân phố hay và ý nghĩa 2025? Bài phát biểu tất niên xóm ngắn gọn?
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?