Nhân viên nhập liệu tại nhà bị tai nạn lao động thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
- Nhân viên nhập liệu tại nhà bị tai nạn lao động thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
- Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của nhân viên nhập liệu tại nhà được quy định thế nào?
- Trường hợp nào nhân viên nhập liệu tại nhà không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động?
Nhân viên nhập liệu tại nhà bị tai nạn lao động thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
Căn cứ theo Điều 167 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà."
Như vậy, pháp luật lao động cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau về việc có thể làm việc tại trụ sở công ty hoặc có thể tại nhà.
Đồng thời, tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 định nghĩa: "Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động."
Như vậy, theo quy định chỉ xét đến việc bị tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động chứ không xét đến yếu tố nơi làm việc là ở đâu.
Căn cứ theo Điều 69 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà như sau:
An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà
1. Người lao động khi thỏa thuận bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc giao công việc về làm tại nhà trên cơ sở căn cứ vào việc người lao động bảo đảm được yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc được giao tại nhà.
2. Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.
Trường hợp người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.
Trường hợp người bị tai nạn lao động là người thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 của Luật này.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà; thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà; báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo cáo chung về tai nạn lao động quy định tại Điều 36 của Luật này.
Theo đó, về mặt quy định nếu người lao động làm việc online tại nhà (công việc nhập liệu tại nhà) mà xảy ra tai nạn thì vẫn có thể được xem xét đó là tai nạn lao động nếu thỏa điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và với điều kiện người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.
Đồng thời, mình cũng sẽ làm theo đúng trình tự xử lý như đối với tại nạn lao động tại nơi làm việc như sau:
+ Nếu đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết theo các chính sách, chế độ khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Nếu thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Nhân viên nhập liệu tại nhà bị tai nạn lao động thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không? (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của nhân viên nhập liệu tại nhà được quy định thế nào?
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của nhân viên nhập liệu tại nhà được căn cứ theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì nhân viên nhập liệu tại nhà đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu thỏa 03 điều kiện sau đây:
+ Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
+ Không thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Trường hợp nào nhân viên nhập liệu tại nhà không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động?
Nhân viên nhập liệu tại nhà không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân được căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy là gì? Điều kiện thực hiện liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy?
- Danh sách 140 nhiệm vụ triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57? Toàn văn Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị?
- Người điều khiển xe gắn máy không có còi từ năm 2025 sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe không?
- Mẫu giấy phản hồi thông tin chuyển tuyến người bệnh đột xuất? Hướng dẫn thủ tục chuyển tuyến mới nhất?
- Quỹ Hỗ trợ đầu tư do ai thành lập? Quỹ Hỗ trợ đầu tư có tư cách pháp nhân không theo Nghị định 182?