Nhận tiền hỗ trợ khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có bị xem là hành vi vi phạm pháp luật không?
Mang thai vì mục đích nhân đạo khác gì với mang thai vì mục đich thương mại?
Căn cứ theo quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải thích hai thuật ngữ này như sau:
Giải thích từ ngữ
...
22. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
23. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
...
Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Còn việc mang thai vì mục đích nhân đạo là sự tự nguyện và không có sự lợi việc mang thai hộ để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có được nhận tiền hỗ trợ không? (Hình từ internet)
Nhận tiền hỗ trợ khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có bị xem là hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
1. Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.
2. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.
3. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
4. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.
Theo quy định trên thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Do đó, nếu việc mang thai hộ của chị ban đầu không xuất phát từ mục đích thương mại và tiền chị nhận là tiền hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản thì không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Mà đó cũng được xem là nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ phải thực hiện.
Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:
Hành vi vi phạm quy định về sinh con
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, người nào có hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt hành chính từ 05 triệu đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?