Nhận biết tin nhắn lừa đảo qua tin nhắn điện thoại ra sao? Cần làm gì khi nhận được tin nhắn lừa đảo?
Lừa đảo qua tin nhắn điện thoại là gì?
Hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại này là hành vi dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là một tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Trong khoản thời gian gần đây nhiều người nhận được các tin nhắn giả mạo ngân hàng với những nội dung khác nhau như:
- Ứng dụng VCB Digibank của bạn được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ. Nếu không phải bạn kích hoạt vui lòng bấm vào http://vietcombank.vn-vm.top để đổi thiết bị hoặc hủy để tránh mất tài sản.
- Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 2.250.000 VND. Vui lòng vào https://msb.vn-cvstop để kiểm tra hoặc hủy.
- Tai khoan cua ban da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 3,600,000 VND, vui long vào đuong link https://shb.vn-ibs.xyz de kiem tra hoạc đe huy.
... và một số tin nhắn tương tự khác.
Khi khách hàng “click” vào đường link trong tin nhắn lừa đảo, khách hàng được yêu cầu nhập thông tin gồm 16 số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn của thẻ, mã OTP..., và một số thông tin khác.
Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn từ đường link, thẻ tín dụng của người dùng sẽ bị trừ tiền do kẻ gian đã lấy cắp được thông tin thẻ và thực hiện giao dịch hoặc người dùng có thể mất thêm cả các thông tin cá nhân khác.
Việc lừa đảo qua tin nhắn này được các đối tượng xấu thực hiện rất tinh vi, thông thường nội dung các tin nhắn này thường là các tin nhắn liên quan đến các tài khoản ngân hàng hoặc về một dịch vụ nào đó mà người dùng có thể mất phí,...
Khi nhận được các tin nhắn này tâm lý người dùng thường hoang mang và sẽ làm theo hướng dẫn trong tin nhắn để khắc phục vấn đề nhanh nhất để rồi dính bẫy của các đối tượng xấu.
Do đó, người dùng khi nhận được các tin nhắn trên hoặc các tin nhắn tương tự thì cần lưu ý:
(1) Các Website chính thống của ngân hàng thường được đăng ký với tên miền (.vn) hoặc (.com.vn). Còn các trang web có tên giống ngân hàng nhưng có đuôi khác như (.info), (.xyz), (.com) đều là giả mạo.
(2) Người dùng cũng có thể xác minh độ tin cậy của tin nhắn nghi ngờ giả mạo bằng cách sao chép SMS gửi tới 9548 (Viettel), 9241 (Mobiphone), 1551 (Vinaphone).
(3) Không được cung cấp cho người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng những thông tin như mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt. Khách hàng nên chậm lại để kiểm chứng để tránh bị mất tiền oan.
* Khi phát hiện tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dùng cần bình tĩnh không làm theo. Bên cạnh đó, người dùng cần phản ánh về tín nhắn đó thông qua việc nhắn tin đến đầu số 5656 hoặc qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn/.
Nhận biết tin nhắn lừa đảo qua tin nhắn điện thoại ra sao? Cần làm gì khi nhận được tin nhắn lừa đảo? (Hình từ Internet)
Người thực hiện hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a và điểm c khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó người thực hiện hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản người khác với số tiền từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất đối với hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại nhằm chiểm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Phải làm gì khi đã bị lừa đảo qua tin nhắn điện thoại?
Khi đã "dính bẫy" từ các đối tượng phạm tội, người dùng cần bình tĩnh liên hệ với ngân hành để kiểm tra các giao dịch bất thường đối với tài khoản ngân hàng của mình. Từ đó dùng làm chứng cứ để tố giác đến cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người dùng có thể tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng xấu có hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại đến các cơ quan sau:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?