Nhà nước quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện dựa trên những biện pháp cụ thể nào?
Việc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện bởi những biện pháp nào?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 167/2018/NĐ-CP, nguyên tắc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được quy định như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất
1. Việc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các tiêu chí khoanh định và các biện pháp hạn chế cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này.
2. Nguyên tắc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất:
a) Bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của các khu vực gây sụt, lún, ô nhiễm, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, đặc điểm của các tầng chứa nước; tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;
b) Ranh giới vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải thể hiện trên bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thành lập trên nền bản đồ hành chính hoặc địa hình có cùng tỷ lệ;
c) Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí khoanh định cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế theo quy định của Nghị định này, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật khác có liên quan và phải bảo đảm công khai, minh bạch. Không mở rộng phạm vi khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất vượt quá phạm vi quy định tại Nghị định này;
d) Thông tin, số liệu sử dụng để làm căn cứ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực."
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều này cũng quy định như sau:
"4. Trường hợp phát hiện việc khoanh định hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất không phù hợp với các tiêu chí quy định của Nghị định này thì phải tạm dừng việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp đó để rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật."
Có thể thấy, việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện dựa trên những nguyên tắc cụ thể luật định nhằm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật do Nhà nước đề ra.
Có bao nhiêu vùng hạn chế khai thác nước dưới đất?
Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là vùng hạn chế) được phân loại bao gồm các vùng theo quy định tại Điều 4 Nghị định 167/2018/NĐ-CP sau đây:
- Vùng hạn chế 1;
- Vùng hạn chế 2;
- Vùng hạn chế 3;
- Vùng hạn chế 4;
- Vùng hạn chế hỗn hợp.
Mỗi vùng hạn chế quy định trên bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là khu vực hạn chế) quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước và được quy định như sau:
- Vùng hạn chế 1, bao gồm các khu vực quy định tại các điểm c, điểm d khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được khoanh định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
- Vùng hạn chế 2, bao gồm các khu vực quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được khoanh định theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
- Vùng hạn chế 3, bao gồm các khu vực quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước, được khoanh định theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này;
- Vùng hạn chế 4, bao gồm các khu vực quy định tại điểm a khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước, được khoanh định theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này;
- Trường hợp có các khu vực hạn chế thuộc vùng hạn chế quy định tại điểm a, b, c và điểm d khoản này bị chồng lấn nhau thì phần diện tích chồng lấn được xếp vào Vùng hạn chế hỗn hợp.
Hạn chế khai thác nước dưới đất
Các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất được áp dụng theo nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 167/2018/NĐ-CP, các nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm:
- Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) trong trường hợp bị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế khai thác được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định này. Không áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất khác với các biện pháp quy định tại Nghị định này;
- Ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai;
- Thực hiện theo phương án, lộ trình phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước.
Như vậy, việc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nhất định. Thông qua đó, pháp luật cũng phân loại vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và biện pháp nhằm hạn chế khai thác nước dưới đất cụ thể như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới nhất? Hướng dẫn cách viết mẫu?
- Phương pháp luận triết học là gì? Các phương pháp luận triết học? Mục tiêu của môn Triết học Mác Lênin là gì?
- Kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng công trình xây dựng có lập hồ sơ không? Hồ sơ bảo trì công trình xây dựng?
- Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phải có tên miền như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến?
- Người quản lý sử dụng công trình xây dựng có được tổ chức thực hiện phá dỡ công trình xây dựng không?