Người yêu cầu tuyên bố một người mất tích vắng mặt tại phiên họp giải quyết thì tòa án có đình chỉ giải quyết yêu cầu đó không?
- Khi nào một người được tuyên bố mất tích?
- Ai là người có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích?
- Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định như thế nào?
- Người yêu cầu tuyên bố một người mất tích vắng mặt tại phiên họp giải quyết thì tòa án có đình chỉ giải quyết yêu cầu đó không?
Khi nào một người được tuyên bố mất tích?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, một người bị tuyên bố mất tích khi thuộc trường hợp sau:
- Họ đã biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
- Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Ai là người có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích?
Theo khoản 1 Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích như sau:
"1. Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Như vậy, người có quyền, lợi ích liên quan là người có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích?
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định từ Điều 387, Điều 388 và Điều 389 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định cụ thể như sau
(1) Nộp đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
- Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
(2) Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
- Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại Điều 384 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 385 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
- Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo (04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên) thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
(3) Quyết định tuyên bố một người mất tích
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.
Người yêu cầu tuyên bố một người mất tích vắng mặt tại phiên họp giải quyết thì tòa án có đình chỉ giải quyết yêu cầu đó không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 367 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quy định về những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự như sau:
“2. Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.”
Theo quy định nêu trên thì người yêu cầu phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án. Nếu người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.
Như vậy, khi bạn được triệu tập hợp lệ lần hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án mới ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích. Còn nếu bạn vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án chỉ hoãn phiên họp, trường hợp bạn có yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt bạn thì phiên họp vẫn sẽ diễn ra bình thường.
Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến người yêu cầu tuyên bố một người mất tích vắng mặt tại phiên họp giải quyết yêu cầu. Bạn có thể đối chiếu với trường hợp của mình và cân nhắc để tham gia phiên tòa, đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2025, xe khách không thực hiện đúng về giá cước, giá dịch vụ niêm yết bị phạt bao nhiêu tiền?
- 'Tam giác vàng' là gì? Buôn bán thuốc phiện tại Việt Nam thì hình phạt nặng nhất là gì? Nhẹ nhất là gì?
- Tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum là bao nhiêu? Tải về phụ lục?
- Tải mẫu hợp đồng thuê xe cá nhân trong Tết Âm lịch năm Ất Tỵ mới nhất? Giá thuê xe được xác định thế nào?
- Tinh gọn bộ máy cấp huyện: Thay thế những người kém năng lực không hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết 18?