Người vợ có được chia di sản từ người chồng sau khi đã có bản án ly hôn từ Tòa án sơ thẩm hay không?
Đã có bản án ly hôn từ Tòa án sơ thẩm thì người vợ có được chia tài sản của người chồng để lại hay không?
Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thời hạn kháng cáo
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng có quy định về thời hạn kháng nghị như sau:
Thời hạn kháng nghị
1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
Từ những quy định trên thì có thể thấy bản án ly hôn từ Tòa án sơ thẩm sẽ có hiệu lực khi hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày tuyên án mà không có bất kì kháng cáo hoặc kháng nghị nào.
Trong trường hợp này, do bản án chưa có hiệu lực, quan hệ vợ chồng giữa hai người vẫn còn nên người vợ vẫn được chia di sản từ người chồng.
Tại khoản 2 Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có nêu rõ trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
Người vợ có được chia di sản từ người chồng sau khi đã có bản án ly hôn từ Tòa án sơ thẩm hay không? (Hình từ Internet)
Chia di sản thừa kế của người chồng như thế nào trong trường hợp vợ chồng đã có bản án ly hôn từ Tòa án sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực?
Nếu người chồng có di chúc hợp pháp, việc chia di sản của người chồng sẽ được thực hiện theo di chúc được để lại.
Di chúc sẽ được xem là di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
(1) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
(2) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Trong trường hợp người chồng mất sau khi đã có bản án ly hôn có để lại di chúc nhưng không chia tài sản cho người vợ trong di chúc thì người vợ vẫn được chia tài sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, cụ thể:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
...
Người thừa kế theo pháp luật ở đây bao gồm những đối tượng thuộc các hàng thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như:
(1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
(2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
(3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trường hợp người chồng chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì người vợ được hưởng phần di sản bằng với những người thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất.
Thời điểm mở thừa kế được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế như sau:
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Như vậy, thời điểm mở thừa kế trong trường hợp trên là thời điểm mà người chồng chết. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người chồng.
Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chồng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được cấp chứng chỉ hành nghề thú y có đúng không?
- Hội do Đảng Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc được xác định có những hội nào?
- Mẫu Email thông báo đi làm lại sau nghỉ thai sản? Lao động nữ đang nghỉ thai sản có được nhận tiền lương tháng 13 không?
- TCVN 14135-5:2024 về Cốt liệu dùng trong xây dựng đường bộ - Phương pháp thử - Phần 5: Xác định thành phần hạt bằng phương pháp sàng khô thế nào?
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2025 đáng chú ý? 10 Luật mới có hiệu lực từ 01/01/2025?