Người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B có phải cách ly y tế không? Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế?
- Người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B có phải cách ly y tế không?
- Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B?
- Thời gian cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B là bao lâu?
Người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B có phải cách ly y tế không?
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 (được bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016) thì bệnh truyền nhiễm nhóm B là bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, bao gồm các bệnh sau đây:
- Bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno);
- Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
- Bệnh bạch hầu;
- Bệnh cúm;
- Bệnh dại;
- Bệnh ho gà;
- Bệnh lao phổi;
- Bệnh do liên cầu lợn ở người;
- Bệnh lỵ A-míp (Amibe);
- Bệnh lỵ trực trùng;
- Bệnh quai bị;
- Bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue);
- Bệnh sốt rét;
- Bệnh sốt phát ban;
- Bệnh sởi;
- Bệnh tay-chân-miệng;
- Bệnh than;
- Bệnh thủy đậu;
- Bệnh thương hàn;
- Bệnh uốn ván;
- Bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon);
- Bệnh viêm gan vi rút;
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu;
- Bệnh viêm não vi rút;
- Bệnh xoắn khuẩn vàng da;
- Bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
- Bệnh do vi rút Zika.
Tiếp đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng biện pháp cách ly y tế
1. Biện pháp cách ly y tế tại nhà được áp dụng đối với các trường hợp:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch, trừ đối tượng là người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh dịch thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là một số bệnh thuộc nhóm B);
b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B;
c) Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
2. Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;
b) Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.
...
Như vậy, người tiếp xúc với người mắc một số bệnh truyền nhiễm nhóm B thì phải cách ly y tế tại nhà.
Trong trường hợp đã áp dụng biện pháp cách ly tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh thì phải cách ly tại cơ sở y tế.
Người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B có phải cách ly y tế không? (hình từ internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền, hình thức quyết định và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế
1. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế:
a) Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều 1 Nghị định này;
b) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định này;
c) Người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.
2. Việc quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế được thực hiện theo một trong các hình thức sau:
a) Ban hành quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với từng đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế;
b) Ban hành quyết định phê duyệt danh sách các trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế;
c) Phê duyệt trực tiếp trên bản danh sách các trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.
...
Như vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Thời gian cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền, hình thức quyết định và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế
...
3. Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế:
a) Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế do người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định nhưng không quá 21 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế có hiệu lực. Riêng đối với hình thức cách ly y tế tại cửa khẩu, thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế không quá 02 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế có hiệu lực;
b) Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế chưa khỏi bệnh hoặc chưa được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì phải gia hạn thời gian cách ly.
Quyết định gia hạn thời gian cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Như vậy, thời gian cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B là 21 ngày.
Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế mà người tiếp xúc chưa khỏi bệnh thì phải gia hạn thời gian cách ly. Quyết định gia hạn thời gian cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?