Người mua trái phiếu liệu có nhận lại được tiền khi công ty phá sản hay không? Người mua trái phiếu có phải là chủ nợ của công ty không?
Trái phiếu là gì? Người mua trái phiếu có phải là chủ nợ của công ty không?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, tại khoản 1 đến khoản 5 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) có giải thích cụ thể về một số loại trái phiếu thông dụng như sau:
- Trái phiếu doanh nghiệp: là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
- Trái phiếu doanh nghiệp xanh: là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
- Trái phiếu chuyển đổi: là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu có bảo đảm: là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Trái phiếu kèm chứng quyền: là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Theo đó, có thể hiểu đơn giản trái phiếu do doanh nghiệp phát hành là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể.
Như vậy, việc khách hàng mua trái phiếu từ công ty tức là đang cho công ty vay và công ty có trách nhiệm sẽ phải trả nợ gốc và lãi cho khách hàng. Trái phiếu này được coi như một giấy tờ ghi nhận nợ giữa người mua trái phiếu và công ty phát hành.
Do đó, có thể xem người mua trái phiếu như một chủ nợ của công ty phát hành trái phiếu.
Công ty phá sản thì người mua trái phiếu liệu có nhận lại được tiền không? (Hình từ Internet)
Người mua trái phiếu liệu có nhận lại được tiền khi công ty phá sản hay không?
Căn cứ theo Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản như sau:
Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
đ) Thành viên của Công ty hợp danh.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Theo đó, như đã nêu, người mua trái phiếu chính là một trong những chủ nợ của công ty phát hành. Như vậy, khi công ty phá sản thì phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ đối với những người mua trái phiếu theo thứ tự quy định trên đây.
Cần lưu ý, việc phân chia tài sản của công ty khi phá sản phải được phân chia lần lượt theo thứ tự đã được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014, tức là sau khi đã thanh toán những khoản sau đây thì mới thực hiện trả nợ cho người mua trái phiếu:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Công ty được coi là phá sản khi nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì công ty được coi là phá sản khi thỏa mãn cả 02 điều kiện sau:
- Công ty bị mất khả năng thanh toán;
- Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13908-2:2024 cốt liệu xỉ thép oxy hoá lò hồ quang điện dùng chế tạo bê tông xi măng thông thường thế nào?
- Mẫu báo cáo kết quả kiểm tra tài chính đảng như thế nào? Thời hạn làm việc của đoàn kiểm tra tài chính đảng được tính từ khi nào?
- Thời hạn sử dụng của bằng lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài? Muốn đổi sang bằng lái xe Việt Nam, khách du lịch cần điều kiện gì?
- Kiểm tra tài chính Đảng là gì? Mẫu Quyết định kiểm tra tài chính đảng của Ủy ban kiểm tra mới nhất?
- Xóa nợ tiền thuế là gì? Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt có phải là nội dung quản lý thuế?