Người mẹ có thể thay người bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện các giao dịch dân sự được không?
Những người thừa kế tài sản trong gia đình gồm những người nào?
Căn cứ theo quy Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Ở đây có thể hiểu tài sản để lại là bất động sản thuộc quyền sở hữu chung của hai vợ chồng. Trường hợp người chồng mất không để lại di chúc thì theo Bộ luật dân sự 2015, thì lúc này di sản do người chồng để lại được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Nếu như chỉ có chị vợ và người con trai thì cả 02 người là đồng thừa kế, được hưởng phần di sản bằng nhau.
Mẹ có thể trở thành người giám hộ cho con bị bệnh tâm thần không?
Theo Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Từ quy định pháp luật trên thì nếu người mẹ đưa con đi giám định để xin tòa án tuyên bố người con mất năng lực hành vi dân sự thì người mẹ sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của con.
Mẹ giám hộ cho con
Người mẹ có thể thay người bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện các giao dịch dân sự được không?
Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
"Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần...
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện."
Như vậy, việc thực hiện giao dịch của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người đại diện pháp luật với cá nhân như sau:
"Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự."
Theo đó người mẹ nếu như là người giám hộ của con mình thì có thể đại diện con để thực hiện các giao dịch dân sự thay cho con của mình.
Người giám hộ có thể tự ý thực hiện tất cả các giao dịch thay cho người được giám hộ hay không?
Căn cứ Điều 59 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
"Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy từ các quy định trên, có thể thấy kể cả người mẹ trở thành người giám hộ đương nhiên khi người con bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì người mẹ cũng không thể lấy phần tài sản người con được thừa kế, mà chỉ có thể quản lý tài sản thay cho con mà thôi. Theo đó người mẹ sẽ không thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bao gồm cả phần thừa kế của người con.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch nghỉ Tết bưu điện 2025? Bưu điện làm việc đến bao nhiêu Tết 2025? Bưu điện làm lại vào mùng mấy Tết?
- Mẫu thư chúc tết nhân viên hay, ý nghĩa? Thư chúc Tết Nguyên đán doanh nghiệp gửi đến nhân viên?
- Đề án của Kiểm toán nhà nước là gì? Thời hạn lấy ý kiến để xây dựng, hoàn thiện nội dung đề án của Kiểm toán nhà nước là bao lâu?
- Trình tự thủ tục Công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 2025 theo Quyết định 35 như thế nào?
- Thi đua chuyên đề là gì? Phạm vi tổ chức thi đua chuyên đề của Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?