Người làm sạt lở đập giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt thế nào? Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người này không?
Đập giao thông đường thủy nội địa được bảo vệ trong phạm vi nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 về phạm vi bảo vệ đập giao thông như sau:
Bảo vệ kè, đập giao thông
1. Phạm vi bảo vệ kè giao thông được quy định như sau:
a) Đối với kè ốp bờ được tính từ đầu kè và từ cuối kè trở về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ đỉnh kè trở vào phía bờ tối thiểu 10 mét; từ chân kè trở ra phía luồng 20 mét;
b) Đối với kè mỏ hàn, bao gồm cụm kè, kè đơn được tính từ chân kè về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ gốc kè trở vào phía bờ 50 mét; từ chân đầu kè trở ra phía luồng 20 mét.
2. Phạm vi bảo vệ đập giao thông được tính từ hai đầu đập theo trục dọc về mỗi phía 50 mét, từ chân đập phía thượng lưu trở về phía thượng lưu và từ chân đập phía hạ lưu trở về phía hạ lưu, mỗi phía 100 mét.
3. Trong phạm vi bảo vệ kè, đập giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Để vật liệu, phương tiện, thiết bị gây sạt lở kè, đập;
b) Neo, buộc phương tiện;
c) Sử dụng chất nổ, khai thác khoáng sản hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến kè, đập.
Theo quy định trên, đập giao thông đường thủy nội địa được bảo vệ trong phạm vi tính từ hai đầu đập theo trục dọc về mỗi phía 50 mét, từ chân đập phía thượng lưu trở về phía thượng lưu và từ chân đập phía hạ lưu trở về phía hạ lưu, mỗi phía 100 mét.
Đập giao thông đường thủy nội địa (Hình từ Internet)
Người làm sạt lở đập giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
...
7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Làm sạt lở kè, đập giao thông;
b) Xây dựng công trình, dựng nhà, làm nhà nổi không đúng quy định trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
...
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả
...
5. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, người làm sạt lở đập giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người này không?
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
...
Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
...
Như vậy, cá nhân làm sạt lở đập giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 35.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt cá nhân này.
Đối với tổ chức vi phạm thì mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là 70.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không có quyền xử phạt tổ chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước có số lượng người sử dụng bao nhiêu được xem là có quy mô rất lớn?
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?
- Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường mới nhất? Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?
- Chương trình hội nghị kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn, ý nghĩa? Chương trình kiểm điểm Đảng viên năm 2024?