Người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế là bao lâu?
Người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:
Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
...
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên, người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Thực hiện xét nghiệm (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế không?
Căn cứ khoản 2 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 27 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS với mức phạt tiền tối đa là 25.000.000 đồng đối với cá nhân và 50.000.000 đồng đối với tổ chức.
Người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 3.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt người này.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị định 163/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông như thế nào?
- Nghị định 172 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản từ ngày 1/1/2025 như thế nào?
- Cho trẻ em xem phim hoạt hình 18+ gây rối loạn tâm thần và hành vi của trẻ thì bị phạt mấy năm tù?
- Toàn văn Nghị định 178 2024 về chế độ chính sách đối với CBCCVC trong sắp xếp tổ chức bộ máy? Nghị định 178 năm 2024 pdf?
- Dịch vụ công trực tuyến một phần là gì? Danh mục và thông tin dịch vụ công trực tuyến được cập nhật ở đâu?