Người giúp sức thực hiện tội phạm là ai? Quyết định hình phạt của người giúp sức thực hiện tội phạm quy định như thế nào?
Người giúp sức thực hiện tội phạm là ai?
Căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về người giúp sức thực hiện tội phạm như sau:
Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Như vậy, người giúp sức thực hiện tội phạm hay người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Ví dụ về tạo điều kiện tinh thần như là hứa giúp sức cho việc thực hiện tội phạm, hứa tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, cung cấp thông tin để thực hiện tội phạm,..hành vi này có thể xảy ra hoặc không xảy ra trên thực tế.
Tạo điều kiện về vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Người giúp sức thực hiện tội phạm là ai?
Quyết định hình phạt của người giúp sức thực hiện tội phạm quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về quyết định hình phạt của người giúp sức thực hiện tội phạm quy định như sau:
Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Như vậy, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm (người giúp sức thực hiện tội phạm cũng là người đồng phạm), Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Bên cạnh đó, Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) cũng quy định như sau:
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm (hay người giúp sức thực hiện tội phạm) nhưng có vai trò không đáng kể.
Người giúp sức thực hiện tội phạm về Tội bạo loạn bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ vào Điều 112 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người giúp sức thực hiện tội phạm về Tội bạo loạn (người đồng phạm) thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?