Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp có bắt buộc phải là giám định viên tư pháp hay không?
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp có bắt buộc phải là giám định viên tư pháp hay không?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
Theo đó, pháp luật đã quy định người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng, mà trưởng văn phòng phải là giám định viên tư pháp. Vì vậy, người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp bắt buộc phải là giám định viên tư pháp.
Tải về mẫu thẻ giám định viên tư pháp mới nhất 2023: Tại Đây
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp (Hình từ Internet)
Thủ tục cấp phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 16 Luật Giám định tư pháp 2012 và khoản 28 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, việc cấp phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp được thực hiện theo thủ tục như sau:
Bước 01: Nộp hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp
Giám định viên tư pháp xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp gửi hồ sơ xin phép thành lập đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin phép thành lập;
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp;
- Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;
- Đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.
Bước 02: Xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoạt động xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, thống nhất ý kiến với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp. Trường hợp không cho phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp phải có những nội dung gì?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp tùy theo từng loại hình hoạt động sẽ có những nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- Tên gọi, địa chỉ trụ sở dự kiến của Văn phòng;
- Lĩnh vực giám định tư pháp;
- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số chứng minh thư nhân dân của người đại diện theo pháp luật của Văn phòng;
- Danh sách giám định viên tư pháp làm việc theo chế độ hợp đồng (nếu có);
- Quy định về việc sử dụng giám định viên tư pháp;
- Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng;
- Chế độ thông tin, báo cáo;
- Hiệu lực thi hành.
(2) Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh:
Ngoài các nội dung như Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh còn có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Họ và tên thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);
- Phần vốn góp của thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);
- Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);
- Cơ cấu tổ chức quản lý;
- Thể thức thông qua quyết định của Văn phòng;
- Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho thành viên hợp danh, thành viên góp vốn và nhân viên;
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ, phân chia lợi nhuận;
- Các trường hợp chấm dứt hoạt động và thủ tục thanh lý tài sản;
- Thể thức sửa đổi, bổ sung Quy chế;
- Họ và tên, chữ ký của thành viên hợp danh;
- Các nội dung khác do các thành viên hợp danh thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều lệ Đảng quy định thế nào về độ tuổi kết nạp Đảng? Đảng viên phải thường xuyên tự phê bình với Đảng?
- Công tác quan trắc công trình có nằm trong nội dung thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không?
- Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước được xác định như thế nào?
- Mẫu hồ sơ mời thầu tư vấn theo thông tư 06 mới nhất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?