Người bào chữa của vụ án hình sự được phép tham gia vào quá trình mở niêm phong của vụ án đó hay không?
- Bản chất của hoạt động mở niêm phong vật chứng là gì?
- Người bào chữa của vụ án hình sự được phép tham gia vào quá trình mở niêm phong vật chứng của vụ án đó hay không?
- Tham gia mở niêm phong vật chứng xong có cần ký tên xác nhận hay không?
- Mở niêm phong vật chứng xong có cần niêm phong lại hay không?
Bản chất của hoạt động mở niêm phong vật chứng là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 127/2017/NĐ-CP, hoạt động niêm phong và mở niêm phong vật chứng của vụ án được quy định cụ thể như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
2. Mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được."
Có thể thấy, mở niêm phong thực chất là quá trình gỡ giấy niêm phong mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được niêm phong theo dạng đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng được niêm phong theo dạng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được.
Người bào chữa của vụ án hình sự được phép tham gia vào quá trình mở niêm phong vật chứng của vụ án đó hay không?
Người bào chữa của vụ án hình sự được phép tham gia vào quá trình mở niêm phong vật chứng của vụ án đó hay không?
Người tham gia niêm phong, mở niêm phong vật chứng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 127/2017/NĐ-CP bao gồm:
(1) Người tham gia niêm phong vật chứng:
a) Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng;
b) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có);
c) Người bào chữa (nếu có).
(2) Người tham gia mở niêm phong vật chứng:
a) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có);
b) Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết);
c) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết);
d) Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn.
Như vậy, người bào chữa sẽ được tham gia vào quá trình mở niêm phong vật chứng nếu cơ quan chức năng xét thấy là cần thiết. Ngoài ra, người bào chữa còn có thể tham gia vào quá trình niêm phong vật chứng.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định 127/2017/NĐ-CP như sau:
- Chủ trì việc tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng.
- Mời, triệu tập người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng.
- Đề nghị và thực hiện thủ tục xuất kho vật chứng; thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Kiểm tra niêm phong trước khi mở niêm phong vật chứng.
- Mở niêm phong vật chứng.
- Kiểm tra vật chứng sau khi mở niêm phong.
- Ký, ghi rõ họ tên vào biên bản mở niêm phong vật chứng; chú thích họ tên của người điểm chỉ (nếu có) vào biên bản mở niêm phong vật chứng.
Tham gia mở niêm phong vật chứng xong có cần ký tên xác nhận hay không?
Trách nhiệm của người tham gia mở niêm phong vật chứng theo quy định tại Điều 13 Nghị định 127/2017/NĐ-CP gồm:
- Có mặt tham gia mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng.
- Chứng kiến quá trình mở niêm phong vật chứng.
- Tham gia kiểm tra niêm phong vật chứng trước khi mở niêm phong vật chứng.
- Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản mở niêm phong vật chứng.
Theo đó, sau khi tham gia quá trình mở niêm phong vật chứng, người tham gia cần ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản mở niêm phong vật chứng theo đúng quy định.
Mở niêm phong vật chứng xong có cần niêm phong lại hay không?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 127/2017/NĐ-CP về trình tự, thủ tục mở niêm phong vật chứng như sau:
"Điều 11. Trình tự, thủ tục mở niêm phong vật chứng
...
3. Kết thúc mở niêm phong
Khi kết thúc mở niêm phong phải lập biên bản; biên bản phải mô tả đúng tình trạng niêm phong trước khi mở, thực trạng của vật chứng sau khi mở niêm phong và có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên của người điểm chỉ) của người tổ chức, người tham gia mở niêm phong vật chứng theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này. Biên bản do người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng lập, đưa vào hồ sơ vụ án và giao 01 bản cho người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong.
Trường hợp kiểm tra niêm phong không còn nguyên vẹn, phải lập biên bản về tình trạng niêm phong của vật chứng, thực trạng của vật chứng để điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp người liên quan (nếu có); đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong, người bào chữa không ký vào biên bản mở niêm phong vật chứng, thì người tổ chức mở niêm phong vật chứng lập biên bản ghi rõ lý do với sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng.
Trong những trường hợp: Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (hoặc người thân thích, đại diện hợp pháp của họ), người bào chữa không có mặt hoặc không đến, không có lý do chính đáng theo yêu cầu của cơ quan, người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng; vật chứng không có chủ sở hữu hoặc chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp thì phải lập biên bản ghi rõ lý do và yêu cầu những người tham gia mở niêm phong ký vào biên bản.
Trường hợp mở niêm phong phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, sau đó phải niêm phong lại thì thành phần thực hiện niêm phong lại bao gồm: Những người tổ chức, người tham gia niêm phong; người, đại diện cơ quan được giao quản lý vật chứng; người chứng kiến (là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, đại diện Viện kiểm sát hoặc người bào chữa của bị can, bị cáo) nếu xét thấy cần thiết."
Bên cạnh đó, Điều 8 Nghị định 127/2017/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
"Điều 8. Trình tự, thủ tục niêm phong vật chứng
Một vật chứng có thể thực hiện niêm phong, mở niêm phong một hoặc nhiều lần. Sau mỗi lần mở niêm phong, khi kết thúc sử dụng vật chứng phải niêm phong lại theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Nghị định này và gửi về nơi bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật..."
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy việc niêm phong lại vật chứng được thực hiện sau mỗi lần mở niêm phong, khi kết thúc sử dụng vật chứng hoặc trường hợp mở niêm phong để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thành phần thực hiện niêm phong lại được quy định cụ thể như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc giáng sinh dành cho người yêu ý nghĩa? Lễ Giáng sinh Noel người lao động có được tạm ứng tiền lương không?
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?