Người 16 tuổi có thể là thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã? Nếu có thì được tham gia cuộc họp Đại hội thành viên hợp tác xã không?
Người 16 tuổi có thể là thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã không?
Thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã được quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã
...
2. Thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã bao gồm:
a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; khi tham gia các giao dịch dân sự, lao động thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;
c) Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam. Các thành viên của tổ chức này phải cử một người đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã;
d) Pháp nhân Việt Nam.
...
Theo quy định trên thì thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã có thể cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, người 16 tuổi có thể là thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã.
Lưu ý: Người 16 tuổi là thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã khi tham gia các giao dịch dân sự, lao động thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;
Người 16 tuổi có thể là thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã không? (hình từ internet)
Thành viên liên kết không góp vốn là người 16 tuổi được tham gia cuộc họp Đại hội thành viên hợp tác xã không?
Quyền của thành viên liên kết không góp vốn được quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
- Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm;
- Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã;
- Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã;
- Ra khỏi hợp tác xã theo quy định Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
Như vậy, thành viên liên kết không góp vốn là người 16 tuổi được tham gia cuộc họp Đại hội thành viên hợp tác xã khi được mời nhưng không được biểu quyết.
Thành viên liên kết không góp vốn là người 16 tuổi bị chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp nào?
Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
...
3. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn:
a) Các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
b) Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
4. Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
1. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức:
a) Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
c) Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
d) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
đ) Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
e) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
...
Như vậy, thành viên liên kết không góp vốn là người 16 tuổi bị chấm dứt tư cách trong trường :
- Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
- Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
- Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ.
- Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
Lưu ý: Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu công văn giải trình chênh lệch doanh thu? Việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện thế nào?
- Ý nghĩa của bánh chưng? Nguồn gốc của bánh chưng? Tết Âm lịch 2025 người lao động, CBCCVC được nghỉ mấy ngày?
- Ngày 27 tháng 1 là ngày gì? Ngày 27 tháng 1 có sự kiện gì ở Việt Nam? Ngày 27 tháng 1 năm 2025 là ngày mấy âm lịch?
- Mẫu Trích Nghị quyết xét đề nghị tặng Huy hiệu Đảng mới nhất? Tải mẫu? Nội dung chương trình lễ trao tặng Huy hiệu Đảng gồm những gì?
- Mẫu nghị quyết chi bộ đề nghị tặng Huy hiệu Đảng? Tải về Nghị quyết đề nghị tặng Huy hiệu Đảng?