Nếu vụ án dân sự bị đình chỉ do người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc do nguyên đơn được triệu tập lần hai mà vẫn vắng mặt thì tiền tạm ứng án phí được xử lý như thế nào?
Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án, theo đó:
Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự là:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm được quy định như thế nào?
Theo Điều 25 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cụ thể như sau:
(1) Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Nghị quyết này.
(2) Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
(3) Trường hợp vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
(4) Trường hợp vụ án có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì mỗi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng chung một yêu cầu độc lập thì họ phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
(5) Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Nếu vụ án dân sự bị đình chỉ do người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc do nguyên đơn được triệu tập lần hai mà vẫn vắng mặt thì tiền tạm ứng án phí được xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:
"2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ."
Dẫn chiếu đến điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về việc đình chỉ vụ án dân sự như sau:
"1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
...
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
..."
Như vậy, theo những quy định nêu trên, trường hợp vụ án dân sự bị đình chỉ do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ. Còn trường hợp vụ án dân sự bị đình chỉ do nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và cũng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan) thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?