Năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày nào? Tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo hằng năm trong vòng bao nhiêu ngày?
Năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về năm tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Năm tài chính
1. Năm tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch.
2. Năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu từ ngày được cấp Giấy phép và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch.
Theo đó, năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày được cấp Giấy phép và được kết thúc vào ngày 31/12 cùng năm dương lịch.
Năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày nào? Tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo hằng năm trong vòng bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)
Tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo hằng năm trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 152 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Báo cáo
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, điều tra thống kê.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3. Ngoài báo cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Phát sinh diễn biến bất thường trong hoạt động nghiệp vụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Thay đổi về tổ chức, quản trị, điều hành, tình hình tài chính của cổ đông lớn và thay đổi khác có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của cổ đông lớn;
c) Thay đổi tên chi nhánh của tổ chức tín dụng; tạm ngừng giao dịch dưới 05 ngày làm việc; niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.
4. Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước khi được yêu cầu.
5. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo hằng năm cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo hằng năm cho Ngân hàng Nhà nước trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (tức ngày 31/12 dương lịch)
Lưu ý: theo Điều 154 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì:
- Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng phải công khai các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt
- Tổ chức tín dụng phải thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, điều tra thống kê và báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng bao gồm những khoản nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
- Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự;
- Thu nhập từ hoạt động dịch vụ;
- Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng;
- Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, trừ cổ phiếu;
- Thu từ hoạt động góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần;
- Thu từ hoạt động khác;
- Thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các khoản thu của tổ chức tín dụng phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.
Lưu ý:
- Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì tổ chức tín dụng phải hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật; khi thu được thì hạch toán vào doanh thu.
- Đối với doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo quy định của pháp luật để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán lãi phải thu từ hoạt động cấp tín dụng vào doanh thu theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.