Mục tiêu tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là gì? Thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được phân thành bao nhiêu loại?
Mục tiêu tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là gì?
Căn cứ tại Điều 3 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường Ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022, có quy định về mục tiêu như sau:
Mục tiêu
1. Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
2. Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.
Như vậy, theo quy định trên thì mục tiêu tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là:
- Tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường;
- Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.
Mục tiêu tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là gì? (Hình từ Internet)
Việc cung cấp thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 5 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường Ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022, có quy định về nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng như sau:
Nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng
1. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; được thực hiện theo chế độ “Khẩn” và ưu tiên.
2. Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cũng như đảm bảo bí mật thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Không sử dụng, lợi dụng đường dây nóng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân.
3. Việc cung cấp thông tin đường dây nóng phải đảm bảo nêu đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định tại Điều 8 Quy chế này và được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Từ chối tiếp nhận thông tin trong trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị không rõ ràng (không thể xác định được vụ việc cụ thể, địa điểm xảy ra). Nội dung thông tin đường dây nóng tiếp nhận phải được cập nhật, lưu trữ và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương qua Hệ thống thông tin.
4. Việc tiếp nhận thông tin đường dây nóng phải đảm bảo thông suốt, liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.
...
Như vậy, theo quy định trên thì việc cung cấp thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường phải đảm bảo nêu đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định và được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
Thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được phân thành bao nhiêu loại?
Căn cứ tại Điều 6 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường Ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022, có quy định về phân loại thông tin đường dây nóng như sau:
Phân loại thông tin đường dây nóng
1. Phân loại thông tin để xác minh
a) Thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường mang tính tức thời, đột xuất, có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên diện rộng (trong phạm vi cấp huyện quản lý trở lên);
b) Thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường thường xuyên, liên tục (có tính quy luật) của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên phạm vi hẹp (trong phạm vi cấp xã quản lý).
2. Phân loại thông tin theo thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc
a) Thông tin về các vụ việc ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) gồm: các thông tin phản ánh, kiến nghị về vụ việc ô nhiễm môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh; các dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc văn bản tương đương của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc của các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;
b) Thông tin về các vụ việc ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: các thông tin phản ánh, kiến nghị về vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra trong phạm vi liên huyện trong phạm vi một tỉnh, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc văn bản tương đương của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Thông tin về các vụ việc ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm: các thông tin phản ánh, kiến nghị về vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra trong phạm liên xã, trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện; các dự án, cơ sở thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường hoặc văn bản tương đương của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
d) Thông tin về các vụ việc ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của Ủy ban nhân dân cấp xã gồm: các thông tin phản ánh, kiến nghị về vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn có quy mô không gian trong một xã, trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã; các dự án, cơ sở thuộc đối tượng đăng ký môi trường hoặc văn bản tương đương thuộc trách nhiệm tiếp nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và các trường hợp khác ngoài các trường hợp nêu trên.
Như vậy, theo quy định trên thì thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được phân thành 02 loại:
- Phân loại thông tin để xác minh;
- Phân loại thông tin theo thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?