Mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định 74 là bao nhiêu?
Mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Như vậy, mức lương tối thiểu theo giờ từ ngày 01/7/2024 được quy định như sau:
- Vùng 1: có mức lương tối thiểu giờ là 23.800 đồng/giờ
- Vùng 2: có mức lương tối thiểu giờ là 21.200 đồng/giờ
- Vùng 3: có mức lương tối thiểu giờ là 18.600 đồng/giờ
- Vùng 4: có mức lương tối thiểu giờ là 16.600 đồng/giờ
Mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định 74 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Nơi hoạt động của người sử dụng lao động trong việc áp dụng địa bàn vùng được xác định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng 4 thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
Áp dụng mức lương tối thiểu vùng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về áp dụng mức lương tối thiểu vùng được thực hiện như sau:
[1] Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
[2] Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
[3] Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
- Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP có nêu rõ như sau:
Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
3. Khi thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người sử dụng lao động không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Theo đó, Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết mẫu hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ? Tải về mẫu hợp đồng lao động?
- Mẫu thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 bằng tiếng việt và tiếng anh đầy đủ, chi tiết nhất? Tải mẫu ở đâu?
- Thay đổi vốn điều lệ có phải nộp lại tờ khai thuế môn bài không? Đối tượng nộp thuế môn bài là ai?
- Gợi ý quà tết cho công nhân? Những món quà tết cho công nhân ý nghĩa? Người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán mấy ngày?
- Mẫu đề cương đánh giá an toàn công trình mới nhất? Đề cương đánh giá an toàn công trình phải được lập như thế nào?