Miếng đất là di sản thừa kế đứng tên cả hai vợ chồng thì khi người vợ chết di sản được chia như thế nào? Con riêng của bố có được hưởng di sản thừa kế của mẹ kế hay không?
Miếng đất là di sản thừa kế đứng tên cả hai vợ chồng thì khi người vợ chết di sản được chia như thế nào?
Tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
"Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường."
Đồng thời, liên quan đến tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
"Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này."
Căn cứ theo quy định trên, mảnh đất và căn nhà mà bố mẹ bạn đứng tên là tài sản chung của bố mẹ bạn. Do đó, di sản của mẹ bạn được xác định là 1/2 giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà.
Như vậy, khi chia di sản thừa kế của mẹ bạn, phần di sản được chia là 1/2 giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà.
Miếng đất là di sản thừa kế đứng tên cả hai vợ chồng thì khi người vợ chết di sản được chia như thế nào? (Hình từ Internet)
Nếu người chết không để lại di chúc thì những ai được quyền thừa kế di sản?
Trường hợp mẹ bạn mất đi mà không để lại di chúc phân chia di sản thừa kế sẽ tiến hành phân chia di sản thừa kế theo pháp luật dựa trên quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Theo đó, khi mẹ bạn không để lại di chúc phân chia di sản thừa kế, những người có trong danh sách nói trên sẽ nhận được di sản thừa kế theo pháp luật.
Cũng theo quy định trên, ở hàng thừa kế thứ nhất, người được nhận thừa kế là con của người chết (bao gồm cả con đẻ và con nuôi).
Con riêng của bố có được hưởng di sản thừa kế của mẹ kế hay không?
Trường hợp bố bạn có con riêng: người con riêng này xét về mặt pháp lý không được xác định là người thừa kế của mẹ bạn nên không có quyền thừa kế đối với phần di sản của mẹ bạn.
Tuy nhiên, tại Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau:
"Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này."
Có thể hiểu một cách đơn giản, đối với việc con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 652 và Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:
"Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
"Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này."
Vì vậy, người con riêng của bố bạn nếu muốn hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn thì cần chứng minh giữa hai người này có mối quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc như cha con, mẹ con theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp cung cấp được đầy đủ chứng cứ chứng minh mối quan hệ trên, Tòa án sẽ xác định con riêng của bố bạn có thể hưởng di sản thừa kế mẹ bạn để lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?