Lợn mắc bệnh tai xanh có phải tiêu hủy toàn bộ không? Vứt xác heo tai xanh không đúng quy định bị xử phạt như thế nào?
Bệnh heo Tai xanh là gì?
Căn cứ Mục 1 Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có giới thiệu về Bệnh heo Tai xanh như sau:
1.1. Khái niệm bệnh
a) Bệnh Tai xanh (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome - PRRS) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Tác nhân gây bệnh Tai xanh là do một loài vi rút PRRS thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales, có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA. Hiện nay, dựa trên việc phân tích cấu trúc gien và kháng nguyên đã xác định được 2 típ: típ I gồm những vi rút thuộc dòng Châu Âu và típ II gồm những vi rút thuộc dòng Bắc Mỹ. Vi rút típ II gây bệnh trầm trọng hơn ở các nước Châu Á. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, vi rút gây bệnh Tai xanh tồn tại dưới hai dạng, dạng cổ điển có độc lực thấp và dạng biến thể có độc lực cao, gây nhiễm và chết nhiều lợn.
b) Sức đề kháng của vi rút: ở điều kiện môi trường có độ pH <5,5 hoặc >6,5 vi rút gần như mất tính gây bệnh; ở nhiệt độ 4°C vi rút tồn tại trong 120 giờ, 20°C tồn tại trong 20 giờ, 37°C tồn tại trong 3 giờ, 56°C tồn tại trong vòng 6 phút; vi rút dễ dàng bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời và các hóa chất sát trùng thông thường như: vôi bột, nước vôi 10%, chlorine, phoóc-môn, iodin...
c) Lợn nhiễm bệnh Tai xanh thường bị suy giảm miễn dịch, do đó tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh khác kế phát như Dịch tả lợn, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, E. coli, Liên cầu khuẩn lợn, Mycoplasma,... từ đó làm chết nhiều lợn bệnh, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo đó, hiện nay các chuyên gia cho rằng bệnh heo tai xanh là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut gây ra. Hiện nay, tại Việt Nam hiện nay nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh heo tai xanh đã và đang được thực hiện nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh tái phát.
Lợn mắc bệnh tai xanh có phải tiêu hủy toàn bộ không? Vứt xác heo tai xanh không đúng quy định bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Lợn mắc bệnh có phải tiêu hủy toàn bộ không?
Căn cứ Mục 5 Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định về việc xử lý lợn bị mắc bệnh Tai xanh được xử lý như sau:
+ Tiêu hủy ngay lợn chết do bệnh;
+ Đối với các ổ dịch nhỏ lẻ mới xảy ra trên địa bàn: Khuyến khích tiêu hủy lợn mắc bệnh để giảm thiểu nguy cơ dịch lây lan rộng, cách ly triệt để lợn chưa bị mắc bệnh để theo dõi; khuyến khích giết mổ tiêu thụ tại chỗ đối với lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh;
+ Đối với trường hợp dịch xảy ra ở diện rộng: Tiêu hủy số lợn mắc bệnh nặng (lợn mắc bệnh nặng là những lợn có bệnh, đã được chăm sóc tích cực, được hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong vòng 07 ngày nhưng không có khả năng bình phục), nuôi cách ly triệt để lợn mắc bệnh nhẹ để theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh; khuyến khích giết mổ tiêu thụ tại chỗ đối với lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh, trường hợp không giết mổ phải nuôi cách ly để theo dõi.
Theo đó, việc xử lý lợn mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Tai xanh hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận lợn bị mắc bệnh Tai xanh.
Đồng thời, việc xử lý lợn mắc bệnh phải được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Như vậy, việc tiêu hủy lợn mắc bệnh không phải được tiến hành với tất cả lợn mắc bệnh, mà việc tiêu hủy chỉ bắt buộc đối với lợn chết do bệnh và tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương mà có thể lựa chọn tiêu hủy hoặc nuôi cách ly lợn mắc bệnh.
Vứt xác heo tai xanh không đúng quy định bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định:
Vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật
...
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường;
Như vậy, lợn mắc bệnh tai xanh phải được xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi vứt xác lợn ra môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh và có thể bị xử phạt lên đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng, căn cứ khoản 10 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP.
Đồng thời, đối với hành vi không tiêu hủy xác lợn mắc bệnh theo đúng quy định, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 8.000.000 đồng, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 90/2017/NĐ-CP:
Vi phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật
...
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
b) Không chấp hành biện pháp xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, động vật có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm của động vật mang mầm bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt nêu trên là gấp đôi (căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?