Lấy chồng là sĩ quan quân đội thì người vợ được hưởng những chế độ, quyền lợi gì? Thủ tục đăng ký kết hôn với sỹ quan quân đội như thế nào?
Điều kiện kết hôn chung của sĩ quan quân đội là gì?
Là một sĩ quan quân đội, khi kết hôn, đầu tiên vẫn là phải đủ điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:
- Nam phải đủ 20 tuổi, nữ phải đủ 18 tuổi.
- Việc kết hôn giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện.
- Không mất năng lực hành vi dân sự.
- Không thuộc vào các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Lấy chồng là sĩ quan quân đội thì người vợ được hưởng ưu đãi về những chế độ, quyền lợi gì? Thủ tục đăng ký kết hôn với sỹ quan quân đội như thế nào? (Hình từ internet)
Các trường hợp nào không được lấy chồng sĩ quan quân đội?
Theo quy định nội bộ của ngành quân đội: Khi quyết định lấy chồng sĩ quan quân đội, theo quy định sẽ phải thẩm tra lý lịch ba đời. Sau khi kiểm tra lý lịch, nếu thuộc các trường hợp sau, sẽ không được kết hôn:
- Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Ngụy quân, Ngụy quyền.
- Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù.
- Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành...
- Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa.
- Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch).
Như vậy, đối với việc lấy chồng sỹ quan quân đội thì ngoài việc phải đáp ứng được các điều kiện chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì đối với điều kiện kết hôn sẽ do nội bộ ngành của quân đội quy định. Người kết hôn với người làm trong quân đội sẽ phải thẩm tra lý lịch ba đời.
Lấy chồng là sĩ quan quân đội thì người vợ được hưởng những chế độ, quyền lợi gì?
Căn cứ khoản 13 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế như sau:
Điều 3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
...
13. Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;
b) Vợ hoặc chồng;
c) Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.
...
Theo quy định trên thì thân nhân của sỹ quan quân đội bao gồm cả cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng sẽ được ngân sách nhà nước đóng đóng bảo hiểm y tế
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 quy định về cấu trúc mã thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của sỹ quan quân đội thuộc nhốm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng được cấp mã số bảo hiểm y tế TQ.
Thủ tục đăng ký kết hôn với sĩ quan quân đội thực hiện như thế nào?
Để đăng ký kết hôn với sĩ quan quân đội cần tiến hành các bước như sau:
- Bước 1: Nộp đơn xin tìm hiểu gửi đến phòng tổ chức, cán bộ của đơn vị. Sau đó, phòng sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch bao gồm:
+ Đời thứ nhất bao gồm ông, bà trong đó có cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Đời thứ hai bao gồm cha, mẹ, cô, dì, chú, bác, cậu ruột (anh, chị, em ruột của cha, mẹ).
+ Đời thứ ba bao gồm bản thân đối tượng kết hôn và anh, chị, em ruột, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
- Bước 2: Nếu sau khi thẩm tra, đáp ứng được các điều kiện, thì thực hiện việc đăng ký kết hôn:
+ Tờ khai theo mẫu quy định;
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của thủ trưởng đơn vị (Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày xác nhận);
+ Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh.
Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng;
+ Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.
+ Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, các cặp đôi cần đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.
- Bước 3: Ngay sau khi nhận đầy đủ giấy tờ, nếu xét thấy đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
+ Hai bên nam, nữ cùng ký vào giấy chứng nhận kết hôn;
+ Công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND cấp xã tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ (Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc).
Lưu ý: Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân lên 15 lần theo quy định mới đúng không?
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm nào theo quy định Luật Hải quan? Thủ tục hải quan là gì?
- Thành viên tạo lập thị trường là gì? Thành viên tạo lập thị trường được đồng thời thực hiện các giao dịch nào?
- Người đại diện của người bệnh thành niên có phải là thân nhân của người bệnh không? Có được lựa chọn người đại diện cho mình không?
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hoạt động trong những lĩnh vực nào thì được giảm thuế TNDN?