Lao động chưa thành niên có được làm giúp việc gia đình không? Lao động chưa thành niên có được trực tiếp ký hợp đồng giúp việc gia đình với chủ nhà không?
Lao động là người giúp việc gia đình được hiểu như thế nào?
Căn cứ Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động là người giúp việc gia đình như sau:
"Điều 161. Lao động là người giúp việc gia đình
1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
2. Chính phủ quy định về lao động là người giúp việc gia đình."
Theo đó, lao động người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Lao động chưa thành niên có được làm giúp việc gia đình không?
Lao động chưa thành niên có được làm giúp việc gia đình không?
Theo điểm a khoản 1 Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 quy định công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau:
"Điều 147. Công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
1. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây:
a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;
b) Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;
c) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;
d) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;
đ) Phá dỡ các công trình xây dựng;
e) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;
g) Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;
h) Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
2. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây:
a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;
b) Công trường xây dựng;
c) Cơ sở giết mổ gia súc;
d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;
đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục tại điểm h khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này."
Căn cứ theo quy định về các công việc cũng như nơi làm việc cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, và các công việc giúp việc gia đình nêu trên thì người chưa thành niên (cụ thể là 17 tuổi) vẫn có thể làm một số công việc giúp việc gia đình, trừ các công việc mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên hoặc lái xe (khi chưa đủ tuổi lái xe),... Cho nên đối với một số công việc giúp việc gia đình thì vẫn có thể thuê người 17 tuổi làm việc.
Lao động chưa thành niên có được trực tiếp ký hợp đồng giúp việc gia đình với chủ nhà không?
Theo điểm b khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:
"Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động."
Như vậy, lao động chưa thành niên (17 tuổi) được phép trực tiếp ký kết hợp đồng giúp việc gia đình với chủ nhà nhưng phải đảm bảo điều kiện là có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa thành niên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong tố tụng hình sự, đầu thú là gì? Thời hạn tạm giữ người phạm tội đầu thú là bao nhiêu ngày?
- Nguyên tắc quản lý, vận hành, khai thác phần mềm quản lý cán bộ Bộ Giao thông vận tải được quy định ra sao?
- Ngày 28 tháng 1 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 28 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy? Tết Âm lịch 2025 được bắn pháo hoa không?
- Tài sản gắn liền với đất bao gồm loại tài sản nào? 02 loại tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ theo quy định mới?
- Thông báo tuyển sinh lớp đào tạo nghề công chứng 2025 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ra sao?