Kiểm tra, đánh giá và thu hồi đối với nguồn tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Kiểm tra, đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tạm ứng
Kiểm tra, đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tạm ứng
Căn cứ điểm a, điểm b và điểm c khoản 6 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP, việc kiểm tra, đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tạm ứng được quy định như sau:
- Cơ quan kiểm soát, thanh toán đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Cơ quan kiểm soát, thanh toán kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định tại khoản 5 và điểm d khoản 6 Điều này.
- Trước ngày 05 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, nêu rõ số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo, các lý do, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý.
- Định kỳ 06 tháng và hàng năm, trước ngày 10 tháng 7 năm kế hoạch và trước ngày 28 tháng 02 năm sau năm kế hoạch, cơ quan kiểm soát, thanh toán các cấp lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi cơ quan tài chính đồng cấp (Mẫu số 08/SDTƯ), trong đó phân loại cụ thể số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo, nêu các lý do, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý.
- Trên cơ sở báo cáo của cơ quan kiểm soát, thanh toán cùng cấp, Bộ Tài chính có công văn đề nghị các bộ, cơ quan trung ương có biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án do các bộ, cơ quan trung ương quản lý, sở tài chính, phòng tài chính - kế hoạch cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để có biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý.
Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được thu hồi trong thời hạn bao lâu?
Thời hạn thu hồi vốn tạm ứng được quy định tại điểm d khoản 6 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP như sau:
- Đối với các công việc của dự án thực hiện theo hợp đồng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng và hợp đồng của dự án không có cấu phần xây dựng): vốn tạm ứng quá hạn thu hồi sau 03 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi vốn tạm ứng theo quy định của hợp đồng mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc khi phát hiện nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi, cơ quan kiểm soát, thanh toán có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng theo nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng.
- Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: vốn tạm ứng quá hạn thu hồi sau 03 tháng kể từ thời điểm tạm ứng vốn chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chuyển toàn bộ số dư tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan kiểm soát, thanh toán để thuận tiện cho việc kiểm soát, thanh toán và thu hồi vốn tạm ứng.
- Sau thời hạn trên, trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa chuyển toàn bộ số tiền dư tạm ứng quá hạn về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan kiểm soát, thanh toán thì trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép trích từ tài khoản tiền gửi của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mở tại cơ quan kiểm soát, thanh toán vào tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan kiểm soát, thanh toán và thông báo cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
- Sau thời hạn 01 năm kể từ ngày chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại cơ quan kiểm soát, thanh toán mà chưa thực hiện chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách nhà nước (trừ trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Trường hợp chủ đầu tư không làm thủ tục nộp lại ngân sách nhà nước, thì cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để nộp ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.
- Đối với các công việc khác thực hiện không thông qua hợp đồng, vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm tạm ứng mà chủ đầu tư chưa thu hồi vốn tạm ứng, cơ quan kiểm soát, thanh toán có văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn trả số vốn đã tạm ứng, trừ trường hợp có văn bản của cấp có thẩm quyền (người phê duyệt dự toán) cho phép kéo dài thời hạn thu hồi vốn tạm ứng để hoàn thành các khối lượng do các nguyên nhân khách quan hoặc trường hợp tạm ứng chi phí quản lý dự án cho các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực. Sau thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm phải hoàn trả số vốn đã tạm ứng mà chủ đầu tư chưa thực hiện hoàn trả thì cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để thu về ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.
Trường hợp cần bảo lãnh tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP, các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng yêu cầu phải có bảo lãnh tạm ứng:
- Chủ đầu tư gửi đến cơ quan kiểm soát, thanh toán bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp với giá trị của từng loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng trước khi cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện việc chuyển tiền tạm ứng hợp đồng cho chủ đầu tư để thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp.
- Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng phải tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.
- Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và trong văn bản bảo lãnh tạm ứng. Trường hợp bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng và gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán để làm căn cứ kiểm soát chi theo quy định. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi về thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng.
Như vậy, việc kiểm tra, đánh giá thực hiện và thời hạn thu hồi vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tạm ứng được quy định cụ thể tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP nêu trên. Ngoài ra, những hợp đồng có giá trị tạm ứng lớn hơn 01 tỷ đồng cần phải được bảo lãnh tạm ứng theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?